MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh tài chính của thời trang YODY ra sao trước khi bị kêu gọi "tẩy chay"?

18-04-2023 - 20:56 PM | Doanh nghiệp

Liên tục qua các năm, doanh thu của thời trang YODY không ngừng tăng trưởng lên tới hàng nghìn tỷ nhưng lợi nhuận của công ty này lại khá bèo bọt.

Doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi...bèo bọt

Công ty Cổ phần thời trang Yody được thành lập tháng 3/2017 có địa chỉ trụ sở chính tại phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.

Trước đó, năm 2014, thương hiệu Yody ra đời khi của hàng đầu tiên được khai trương tại phố Chùa Bộc, Hà Nội. Và chỉ 5 năm sau, năm 2019, thời trang Yody đã phát triển chuỗi 91 của hàng trên 33 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến 2020, thời trang Yody lấn sân thị trường phía Nam và bán những sản phẩm đầu tiên trên đất Mỹ. Cuối năm đó, thời trang Yody khai trương cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á tại Bắc Giang.

Bức tranh tài chính của thời trang YODY ra sao trước khi bị kêu gọi "tẩy chay"? - Ảnh 1.

Thương hiệu thời trang YODY đang có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước

  Về quy mô đầu tư, thời trang Yody được xem là một trong những doanh nghiệp có bước phát triển thần tốc. Trong hai năm 2021 và 2022, thời trang Yody có 4 lần tăng vốn, đưa vốn điều lệ công ty từ 10 tỉ đồng (tháng 3/2021) lên 452 tỉ đồng (tháng 10.2022).

Thông tin trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, tháng 3/2021, Yody nâng vốn từ 10 tỉ đồng lên 15 tỉ đồng. Tháng 7/2021, vốn điều lệ Yody đạt 106 tỉ đồng, tăng lên 450 tỉ đồng vào tháng 7/2022 và tăng lên 452 tỉ đồng vào tháng 10/2022. Trong những lần cập nhật vốn trên, cơ cấu cổ đông không được doanh nghiệp này tiết lộ.

Mặc dù, những năm đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ phát triển và doanh thu của Yody khiến nhiều doanh nghiệp tầm cỡ cũng… "phát thèm". Nếu năm 2019, doanh thu của Yody là 70 tỷ đồng thì đến năm 2021, con số này tăng lên gấp hơn 1,6 lần (118 tỷ đồng). Thậm chí, năm 2021 Yody bùng nổ khi phát triển đến con số khoảng 200 của hàng trên toàn quốc. Doanh thu của đơn vị này cũng đạt đến con số nghìn tỷ (1.094 tỷ đồng), tăng 827% so với năm 2020.

Thế nhưng, nhìn vào tỷ suất lợi nhuận của Yody thấy rất nhiều bất thường. Nếu như 2017, Yody đạt doanh thu khoảng 28 tỉ đồng, lợi nhuận 274 triệu đồng; Năm 2018: doanh thu 32 tỷ đồng, lợi nhuận giảm xuống chỉ còn… 8 triệu đồng; Năm 2019: doanh thu 70 tỷ đồng, lợi nhuận 1 tỷ đồng; Năm 2020: doanh thu 118 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng; Năm 2021: doanh thu 1.094 tỷ, lợi nhuận 11 tỷ đồng.

Theo nhiều nhà phân tích, kết quả lợi nhuận 11 tỷ đồng trong năm 2021 tạo sự bất thường khi đặt cạnh kết quả doanh thu tới 1.094 tỷ đồng cũng trong năm này. Bởi với lợi nhuận 3 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2020 của Yody là 2,54%. Thế nhưng, với doanh thu vọt tăng lên 1.094 tỷ đồng năm 2021 mà tỷ suất lợi nhuận của Yody lại chỉ vỏn vẹn 1%.

Yody mất gì sau sự cố?

Ngày 04/4, thời trang Yody chia sẻ video kỷ niệm 9 năm thành lập có hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên Fanpage Facebook của công ty. Ngay sau khi video được đăng tải, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội bình luận, chia sẻ quan điểm không đồng tình với video này. Thời trang Yody sau đó gỡ bỏ video và ra thông báo thừa nhận để xảy ra thiếu sót nói trên. Đồng thời nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam.

Sau sự cố, trên mạng xã hội có rất nhiều những đánh giá trái chiều xung quang sự việc này. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn tẩy chay thời trang Yody và mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm việc này. Thậm chí, có những nhận định cho rằng đây là cách "maketing bẩn" của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đang bị sa sút.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cảm thông và chia sẻ. Nhiều người cho rằng đó là sự cố không mong muốn trong khâu xây dựng và kiểm duyệt video. Theo Facebooker Trần Trọng An: "Sai thì đã sai và doanh nghiệp cũng đã nhận sai và sửa. Mình nghĩ nên đề nghị cơ quan quản lý xử phạt, và cũng nên bao dung với họ, để họ tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Việc kêu gọi tẩy chay một nhãn hàng Việt có sức cạnh tranh mạnh mẽ như vậy có lẽ là điều đáng tiếc".

Rõ ràng, dù sự việc xảy ra là sự vô tình thì có lẽ một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cảm thấy bị tổn thương. Việc người tiêu dùng tẩy chay một nhãn hiệu nào đó, ấy là quyền năng tối thượng của họ. Đó mới là người tiêu dùng thông minh. Và đương nhiên, khi đó doanh nghiệp phải chịu sự mất mát.

Ở Việt Nam đã có không ít sự việc người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm khi doanh nghiệp kinh doanh thiếu chuẩn mực. Hàng loạt các doanh nghiệp đã từng bị người tiêu dùng tẩy chay như: Vedan, Tân Hiệp Phát, Bách Hóa Xanh… Mặc dù không có thống kê, nhưng chắc chắn doanh nghiệp đã rất thiệt hại.

Mặc dù sự cố không phải vấn đề liên quan trực tiếp chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, với Yody hẳn đã có những sụt giảm về doanh số và đặc biệt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu năm 2025 là Công ty thời trang số 1 Việt Nam, đồng thời IPO và trở thành "Kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2038 trở thành Công ty thời trang số 1 thế giới như doanh nghiệp này đề ra.

Liên quan đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của YODY, phóng viên đã liên hệ với số điện thoại 0220386xx88 được cho là đường dây nóng của doanh nghiệp nhưng không ai trả lời.

Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân cũng như bảo vệ uy tín của doanh nghiệp nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.

 

Theo Lan Vũ

Công Thương

Từ Khóa:
Trở lên trên