Bức tranh thị phần nhà ở cao cấp trong năm 2019
Giá nhà mới tại khu trung tâm Tp. Hồ Chí Minh đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 -6.500 USD/m2, thấp hơn rất nhiều so với Hong Kong - nơi mà nhà ở luôn ở mức giá đắt đỏ kỷ lục. Các chuyên gia dự báo, giá nhà ở cao cấp tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cao.
Cùng với tình hình chung của thị trường bất động sản, các dự án cao cấp, hạng sang được dự báo tiếp tục khan hiếm cung trong năm 2019. Theo CBRE Việt Nam nguồn cung chào bán trên toàn thị trường năm 2018, phân khúc trung cấp chiếm 42%, cao cấp 30%, trong khi hạng sang chiếm 2%.
Theo thống kê dựa trên các giao dịch thông qua CBRE ở phân khúc cao cấp và hạng sang, thị trường thu hút sự quan tâm lớn của người mua đến từ nước ngoài. Tỉ lệ người mua căn hộ là nước ngoài chiếm 76%, trong đó 31% đến từ Trung Quốc.
Nhiều người lo ngại thị trường bất động sản cao cấp năm 2019 tiếp tục chững lại, theo bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhìn chung thị trường vẫn đang tăng trưởng ổn định do đáp ứng được nhu cầu và khả năng chi trả. Những dự án pháp lý rõ ràng, tọa lạc ở các vị trí đắc địa vẫn hút người mua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Savills Việt Nam nhận định, trong thời gian tới, ở phân khúc căn hộ nguồn cung tiếp tục theo chiều hướng khan hiếm do chủ đầu tư chuẩn bị kỹ càng pháp lý mới bung hàng. Những dự án "chuẩn" cao cấp, đáp ứng được các tiêu chí về vị trí, chất lượng sống…tiếp tục là tâm điểm thu hút của thị trường.
Theo ông Duy, chính khan cung, nhu cầu còn lớn nên giá sơ cấp của loại hình bất động sản cao cấp, hạng sang sẽ theo chiều hướng tăng lên trong thời gian tới.
Còn theo ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam xét về nhiều khía cạnh, 2018 là một năm mang tính bước ngoặt với những thay đổi nhanh chóng tại thị trường nhà ở Việt Nam.
Theo đó, giao dịch với người nước ngoài tăng trưởng đạt ngoài dự kiến và chiếm khoảng 30% tại các dự án cao cấp khi được tung ra thị trường. Các dự án hạng sang cũng lần đầu tiên được ra mắt tại địa bàn Quận 1, trước khi khi quy định các quận trung tâm và nội thành TP.HCM không được phát triển dự án dân cư có hiệu lực.
"Những dự đoán vào cuối năm 2017 về việc thừa cung đã không xảy ra bởi nhiều dự án nhà ở bị trì hoãn, dẫn đến những phiên giao dịch gây sốt tại các dự án mở bán để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường", vị chuyên gia này nhận định.
Nhận định thêm về diễn biến thị trường nhà ở cao cấp trong thời gian tới, ông MacGregor cho rằng nền kinh tế Việt Nam liên tục đón nhận những tin tức khả quan: GDP cả nước đã giữ đà tăng trưởng, đạt 6,88% trong quý 3, và nằm trong số những những nền kinh tế phát triển tốt nhất thế giới. FDI tiếp tục tăng nhanh, kiều hối đạt mức kỷ lục. đồng thời dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao nhất, hỗ trợ tích cực cho đồng Việt Nam.
Do đó, động lực tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi cơ cấu dân số vàng, triển vọng kinh tế tích cực và các dự án cơ sở hạ tầng mới. TP.HCM và Hà Nội đang đi vào giai đoạn chuyển mình và sánh ngang với những thành phố khác trong khu vực. Thị trường căn hộ được thúc đẩy bởi nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ, trong khi đó phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực.
Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan. Mặc dù giai đoạn từ 2010 đến 2014 phát triển khá chậm nhưng các chỉ số cơ bản này đã hỗ trợ đẩy mạnh giá nhà ở trong hơn một thập kỷ qua.
Thị trường đón nhận thêm các dự án hạng sang mới có vị trí đắc địa, chất lượng thi công tốt hơn và tiện nghi đẳng cấp thế giới. Với thu nhập trung bình tăng ổn định và các gói tài chính tốt dành cho người mua trong nước, thị trường đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa cao và cơ sở hạ tầng phát triển đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các sản phẩm cao cấp tại những thành phố trọng điểm.
Về giá cả, chuyên gia nghiên cứu của Savils Việt Nam cho biết giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các thị trường tương đương trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở TP.HCM cao hơn khi so sánh với các thị trường này. Mức giá trung bình dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhưng chậm hơn, sự tăng giá này sẽ phần nào phản ánh về những tiêu chuẩn phát triển cao hơn, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp trung và thượng lưu cũng như cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Giá nhà mới tại khu trung tâm TP.HCM đang giữ mức trung bình khoảng 5.500 - 6.500 USD/m2, bằng một phần rất ít so với Hong Kong - nơi mà nhà ở luôn ở mức giá đắt đỏ kỷ lục. Các biện pháp hạ nhiệt đã khiến thuế nhà ở tại nhiều quốc gia trở nên cao hơn trong khi mức thuế này tại Việt Nam lại tương đối thấp, hấp dẫn người mua trong và ngoài nước.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhu cầu đầu tư BĐS tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ khi chính sách sở hữu nhà ở cho người nước ngoài có hiệu lực vào năm 2015. Với sự thiếu hụt rõ rệt trong dự án cao cấp tại các đô thị lớn, người mua có thể thấy được tiềm năng tăng vốn dài hạn rõ rệt. Trong khi đó, với khoản lợi nhuận cho thuê vượt quá 5%, đây là một kênh đầu tư hấp dẫn so với lợi nhuận sụt giảm ở những địa điểm khác trong khu vực.
Sự xuất hiện ngày một nhiều của những cơ hội đầu tư dài hạn trong phân khúc nhà ở cao cấp, đặc biệt là khi các chỉ số kinh tế vẫn phát triển vượt trội, người mua hoàn toàn sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị đầu tư.
Mặc dù chặng đường để thị trường BĐS Việt Nam đạt đến đỉnh cao như Hong Kong và Singapore còn dài; nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bùng nổ tầng lớp trung lưu và giá cả phải chăng, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước, trở thành mãnh hổ tiếp theo của Châu Á.