MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh thương mại toàn cầu hậu TPP

04-02-2017 - 22:57 PM | Tài chính quốc tế

Theo ngân hàng HSBC nhận định việc Mỹ rút khỏi TPP và thiên về các hiệp định song phương có thể phá vỡ sự phát triển của mạng lưới sản xuất và khiến nền kinh tế kém hiệu quả hơn.

Vào ngày 23/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hướng dẫn cho Đại diện Thương mại Mỹ về “việc vĩnh viễn rút Mỹ ra khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định TPP và bắt đầu theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại song phương ở đâu có thể để thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ, bảo vệ người lao động Mỹ và tăng lương cho họ”.

Vì Mỹ từng là nước đi đầu trong việc xúc tiến hiệp định này, liệu đây có phải là một "đòn chí mạng" đối với 11 nước thành viên còn lại của TPP? Ngày 3/2 vừa qua, ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô toàn cầu có tựa đề "Điều gì đang chờ đợi sau TPP?" phân tích những hệ quả của việc Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Liệu có thể hồi sinh TPP?

Trên lý thuyết, 11 quốc gia thành viên còn lại vẫn có thể tiếp tục tham gia TPP một khi họ hoàn tất việc sửa đổi hợp lệ các điều khoản phê chuẩn của hiệp định (mà dự định nhận được sự tham gia của Mỹ), nhưng không ít các nước thành viên không đồng tình với phương án này. Sau khi Úc đưa ra đề xuất đầu tiên, khuyến khích các quốc gia còn lại tiếp tục hiệp định dù Mỹ không tham gia, Nhật Bản thể hiện rõ sự phản đối với ý tưởng trên, cho rằng đề nghị này biến Hiệp định TPP, vốn đã hạn chế, trở nên “vô nghĩa”.

Một lý do khiến kịch bản hồi sinh khó thành hiện thực là các quốc gia thành viên đồng thuận thực hiện cam kết quan trọng khi tham gia TPP vì họ cho rằng, hiệp định này sẽ cho phép các quốc gia thành viên cùng tiếp cận thị trường khu vực với quy mô lớn. Nếu không còn Mỹ, thị trường rộng lớn của TPP sẽ giảm xuống 60% và với sự thay đổi đáng kể như thế, những quốc gia còn lại trong khối khó có thể chấp nhận những nhượng bộ đã thương thuyết trước đó trong TPP.

Đồng thời, một số những đề xuất cải tiến của TPP có thể được sử dụng trong các cuộc đàm phán khu vực hoặc song phương mới hoặc đang diễn ra. Ví dụ, một hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) đang được đàm phán tại châu Á có khả năng sẽ học hỏi các điều khoản của TPP nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các nhà thương thuyết nhiều khả năng sẽ cân nhắc các điều khoản của TPP nhằm cải thiện sự thống nhất quy định, giải quyết tranh chấp khối đầu tư nhà nước, sự linh hoạt trong việc xử lý quyền sở hữu trí tuệ (ví dụ như điều khoản sử dụng công bằng), và nâng cấp bảo vệ tiêu chuẩn lao động hay vấn đề môi trường.

Vì sao Mỹ rút khỏi TPP lại là vấn đề?

Thiệt hại kinh tế từ việc hủy bỏ Hiệp định TPP trong dạng thức hiện tại có thể khó thấy được tức thì, nhưng chúng thực sự tồn tại. Tăng trưởng khu vực TPP chậm lại có thể lan sang các khu vực khác do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia thành viên TPP suy yếu. Tuy nhiên, một tác động trực tiếp có thể gây thiệt hại cho quyền lực mềm và tầm ảnh hưởng của Mỹ lên khu vực vành đai Thái Bình Dương.

Các quốc gia tham gia Hiệp định TPP đã đầu tư hơn 10 năm để phát triển hiệp định này và chuẩn bị đưa TPP vào hiện thực. Việc Mỹ từ bỏ TPP gần đây đã tự hạ uy tín của mình với tư cách là một thành viên tích cực tham gia đàm phán và tạo sự mất thiện cảm mà Mỹ đã gầy dựng trong suốt quá trình phát triển một hiệp định vốn sẽ mang lại kết quả tích cực cho cả khu vực. Hơn nữa, việc đàm phán các hiệp định thương mại là một quá trình tiêu tốn nguồn lực đáng kể, và thất bại này không chỉ gây tốn kém về lợi ích đã mất đi, mà còn về chi phí cơ hội. Khả năng đàm phán hiếm hoi ở một số quốc gia đã có thể được triển khai theo một hướng khác.

Bằng việc chuyển đổi từ phương thức đàm phán khu vực sang đàm phán song phương, Mỹ có thể, với quy mô của quốc gia này, đạt được một số ảnh hưởng đàm phán. Nhưng điều này cũng có thể làm suy giảm khả năng tác động của Mỹ trong việc hình thành những quy tắc thương mại trong tương lai đến toàn khu vực hay thậm chí toàn cầu. Điều này có thể mang đến những hệ quả tiêu cực cho nước Mỹ. Ví dụ, nếu RCEP trở thành hiệp định khung cơ bản cho thương mại khắp châu Á, không gì có thể đảm bảo rằng những quy định của RCEP sẽ phù hợp với quyền lợi của Mỹ.

Mỹ rời khỏi TPP cũng gây tác động tiêu cực đến niềm tin kinh doanh tại thời điểm kinh tế toàn cầu khó có thể thực hiện được. Không những thế, theo một số nguồn tin, quyết định này sẽ tiếp sức cho những người theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và nhiều khả năng những thị trường khác sẽ xuất hiện một hướng phát triển đã có thể minh chứng còn gây tốn kém hơn cho nền kinh tế.

Từ đa phương chuyển thành song phương, bức tranh thương mại toàn cầu mang màu sắc mới

Hơn 70 năm qua, Mỹ cùng các đồng minh đã tìm cách định hình kinh tế thế giới toàn diện thông qua việc tăng cường các thị trường mở và thương mại tự do theo một khuôn khổ dựa trên luật lệ. Cách tiếp cận này đã mang đến không ít những lợi ích kinh tế đáng kể toàn cầu và là một đề xuất đầy thuyết phục cho nhiều nước. Nó đại diện cho cách nhìn nhận kinh tế thường chú trọng vào các giá trị như tự do và dân chủ. Về cấu trúc, phương thức tiếp cận này ban đầu được xây dựng dựa trên nền tảng toàn cầu, bổ sung thêm bằng các hiệp định song phương và khu vực như TPP.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên thỏa thuận hơn là chú trọng vào các giá trị. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất kinh tế mà cả lợi ích và sự bền vững có thể đạt được dưới khung tiêu chuẩn thương mại toàn cầu trước đây.

Tuy nhiên, tự do hóa thương mại vẫn có thể tiếp tục phát triển theo phương thức tiếp cận chiến lược mới của Mỹ, dựa trên các thỏa thuận thương mại song phương. Đi kèm với những chính sách bổ trợ phù hợp cho doanh nghiệp và người lao động, và tránh nhờ đến biện pháp bảo hộ, phương thức này có thể mang đến nhiều nguồn lợi kinh tế. Như nhà kinh tế học Thomas Piketty nhận xét: “Bảo hộ mậu dịch không mang lại sự thịnh vượng, trong khi thương mại tự do cùng việc mở cửa kinh tế luôn nằm trong danh sách yêu thích của tất cả mọi người.”

Thu Hương

HSBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên