Buffett cho rằng thành công chỉ đơn giản là khi được đáp lại tình yêu, Steve Jobs lại nói đó là khi tin vào sức mạnh của sự giúp đỡ: Cha mẹ nếu muốn con thành công, hãy tặng chúng những “món quà vô giá” sau
Thành công là điều mà hầu hết cha mẹ nào cũng mong con mình có được. Hãy mang đến cho con 8 “món quà vô giá” này để tôi luyện con trở thành một con người tuyệt vời, thành công trong cuộc sống.
Bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình sau này sẽ trở thành một người thành công. Nhưng không có một quy chuẩn nào bắt con bạn phải thành công bằng cách này hay cách khác. Mỗi người sẽ có những định hướng riêng trong cuộc đời để dẫn dắt bản thân đi tới đích đến thành công.
Tỷ phú Warren Buffett từng nói nếu bạn hy vọng ai đó yêu bạn và người đó thực sự yêu bạn thì bạn đã thành công rồi đấy. Oprah Winfrey từng nhận định rằng, thành công là khi bạn hiểu nên đi qua cây cầu nào và nên đốt cháy cây cầu nào. Còn ông chủ Amazon, Jeff Bezos lại không mất nhiều thời gian cân nhắc về các quyết định có thể hủy bỏ. Trong khi đó, Steve Jobs lại tin vào sức mạnh của sự giúp đỡ.
Điểm chung của họ là gì? Họ đều rất thành công, dĩ nhiên rồi. Điểm chung mà tôi muốn nói ở đây chính là tất cả họ đều tin vào chính mình. Bước đầu tiên trong con đường thành công là phải ngừng yên phận và bắt đầu tìm kiếm những điều có thể xảy ra.
Bạn muốn con bạn có thể áp dụng bước đầu tiên này trong mọi trường hợp, mọi lĩnh vực, mọi con đường mà sau này chúng lựa chọn? Nói đơn giản hơn, bạn muốn con bạn thực sự thành công và hạnh phúc chứ?
Nếu bạn mong muốn những điều tốt đẹp đó đến với những thiên thần nhỏ bé của mình, hãy bắt đầu tặng cho chúng những "món quà vô giá" này hằng ngày:
1. Món quà của sự độc lập
Cha mẹ đưa ra các nguyên tắc, thiết lập các quy định. Đó là công việc mà cha mẹ cần phải làm để đảm bảo con mình lớn lên trong một môi trường được giáo dục nền nếp.
Tuy nhiên, không phải là đặt ra quá nhiều nguyên tắc và phép tắc.
Cha mẹ phần lớn thường cảm thấy hài lòng với những phép tắc họ đặt ra. Họ quan tâm rất nhiều đến những thứ thuộc sở hữu của họ, kể cả con cái. Mà đặc biệt, họ càng quan tâm đến những thứ họ thấy phải có trách nhiệm và có uy quyền, như con cái, không những phải làm theo những gì cha mẹ nói mà còn phải làm theo nhưng cảm tính của họ.
Hãy khiến con trẻ tự chuyển từ "phải" sang "muốn", bởi vì điều đó sẽ biến một công việc nhà trở thành một việc gì đó ý nghĩa hơn nhiều. Ví dụ, khi bạn muốn bé con nhà mình rửa bát giúp mẹ, hãy để bé nhìn nhận việc đó không phải là một công việc bắt buộc, mà chỉ là một việc có thể thể hiện sự khéo léo và nhanh nhẹn của bé.
Như vậy, con bạn sẽ luôn cảm thấy những công việc nhỏ nhặt nhất đều có ý nghĩa rất lớn.
2. Món quà của sự khen ngợi cụ thể
Người lớn đôi khi cố gắng, phấn đấu chỉ vì mong được khen thưởng, ca ngợi. Trẻ con cũng vậy, thậm chí chúng còn nhạy cảm hơn nhiều trong vấn đề này.
Sẽ có nhiều lúc bạn nhận ra, chỉ một vài từ khen ngợi cũng có thể làm thay đổi thái độ của con trẻ. Không có đứa trẻ nào cứng đầu, chỉ có những đứa trẻ không được vỗ về, cưng nựng đúng cách mà thôi.
Phạm lỗi, nhất định phải phạt. Làm tốt nhất định phải khen. Nhưng hãy khen một cách cụ thể và công khai. Ví dụ, khi bé giúp mẹ lau bàn, bạn có thể khen bé rằng: "Con lau bàn thật giỏi!". Không nên chỉ khen chung chung như "Con giỏi quá". Hãy nói rõ rằng còn làm việc gì giỏi.
Đặc biệt, khi khen con, bạn nên chọn lúc có mặt người khác như ông bà, bố, anh, chị, em... để bé cảm thấy mình thật sự được công nhận.
Nên nhớ, dù trẻ làm được những việc vô cùng nhỏ, cũng nên tặng trẻ một lời khen để trẻ biết đó là hành vi tốt nên duy trì.
3. Món quà của sự kiên nhẫn cực độ
Bạn muốn cho người khác thấy bạn thực sự quan tâm họ như thế nào? Hãy kiên nhẫn với họ.
Thể hiện sự kiên nhẫn và sự tín nhiệm là cách tuyệt vời để trẻ biết rằng bạn hoàn toàn tin tưởng chúng. Điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến cả cuộc đời trẻ, đặc biệt khi chúng gặp những khó khăn trong cuộc sống. Khi ấy, chúng sẽ biết luôn có gia đình là chỗ dựa, là những người luôn tin tưởng và ủng hộ chúng.
4. Món quà của sự nhờ vả, giúp đỡ
Nghe có vẻ kỳ quặc bởi sẽ chẳng có ai muốn bị nhờ vả, giúp đỡ thường xuyên. Đặc biệt là trẻ con, còn ở độ tuổi ham chơi, hiếu động.
Thế nhưng, điều này lại hoàn toàn ngược lại với những suy nghĩ ấy. Khi bạn yêu cầu bé giúp đỡ, bé sẽ cảm thấy được tôn trọng, về mặt nào đó như kỹ năng hoặc kiến thức hoặc kinh nghiệm.
Hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ con bạn thường xuyên, càng nhiều càng tốt. Chúng sẽ cảm thấy lòng tự trọng và giá trị bản thân lớn hơn, bởi vì chúng đã nhận được một món quà vô cùng lớn: Biết rằng chúng đẫ tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của một người khác – cuộc sống của chính bạn.
5. Món quà của sự tha thứ
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thường nhìn nhận con thông qua sai lầm đó. Nhưng sai lầm hay điểm yếu chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ một con người.
Nếu muốn trở thành một người cha người mẹ tuyệt vời, hãy bình tĩnh và suy nghĩ xa hơn. Trách mắng con trẻ, đổ lỗi cho chúng có phải là cách tốt để nuôi dạy chúng lớn khôn?
Tha thứ là một điều thiêng liêng, nhưng quên đi sai lầm của trẻ còn thiêng liêng hơn nhiều.
6. Món quà của sự riêng tư
Đó là con bạn. Bạn phải có quyền được biết, có thể không phải mọi thứ nhưng bạn phải được biết cả những điều không cần thiết. Bạn đã bao giờ có suy nghĩ như thế chưa?
Đó là lý do tại sao món quà tốt nhất bạn có thể tặng con trẻ là sự riêng tư, không hỏi han, không tò mò...và luôn sẵn sàng khi con bạn muốn hay cần chia sẻ.
Giúp con bạn bảo vệ sự riêng tư, tránh không cho người khác xâm phạm nhưng cũng phải đảm bảo bạn tôn trọng quyền riêng tư của chúng. Chứ không phải luôn lấy lý do vì an toàn của con nên cha mẹ cần biết...
7. Món quà của sự kỳ vọng cao
Tất cả chúng ta lúc nào cũng mong trở thành một người tốt hơn bản thân chúng ta. Hãy nghĩ mà xem, có những khi vì những lời nhận xét của người khác mà ta ra sức phấn đấu để có được thành công như ngày hôm nay. Nhưng cũng không nên vì kỳ vọng quá cao mà đặt ra gánh nặng cho con trẻ, làm chúng cảm thấy mệt mỏi, nản chí.
8. Món quà của tư duy phát triển
Theo nghiên cứu về thành tích và thành công của nhà tâm lý học Carol Dweck, những người tài năng có xu hướng rơi vào một trong hai trường hợp:
- Tư duy cố định: Những người này thường tin vào sự thông minh, khả năng và kỹ năng là do bẩm sinh và khá cố định. Tức là, sinh ra đã có và không dễ mất đi. Họ hay nói kiểu: "Tôi không thông minh" hoặc "Toán học không phải môn của tôi".
- Tư duy phát triển: Những người này tin sự thông minh, khả năng và kỹ năng có thể phát triển thông qua nỗ lức. Họ thường nói những câu như: "Mất một chút thời gian nữa thì tôi sẽ hiểu" hoặc "Không sao. Tôi sẽ thử lại lần nữa".
Sự khác biệt trong quan điểm có thể được hun đúc bởi những lời khen ngợi mà chúng ta nhận được và điều đó thường bắt đầu khi ta còn là những đứa trẻ. Ví dụ, bạn được khen ngợi theo những cách sau:
"Ồ, con phát hiện ra điều đó nhanh quá. Con thật thông minh!"
"Ồ, Con thật tuyệt vời. Con được điểm A mà chẳng cần học!"
Nghe thật tuyệt phải không? Vấn đề là các thông điệp ẩn giấu bên trong những tuyên bố đó:
"Nếu con không phát hiện ra điều đó thực sự nhanh... thì con chắc hẳn không được thông minh cho lắm".
"Nếu con phải học... thì con rất tầm thường".
Kết quả của những thông điệp đó là một suy nghĩ cố định: Chúng tôi cho rằng chúng tôi làm được những thứ mà chúng tôi vốn dĩ có khả năng. Nhưng khi mọi thứ trở nên khó khăn, họ lại cảm thấy bất lực và luôn nghĩ rằng những gi họ có là không đủ tốt, không đủ tài giỏi. Và khi nghĩ vậy, họ ngừng cố gắng.
Khi khen ngợi con chỉ vì thành tích hoặc chỉ trích chúng vì những thất bại nhất thời, bạn vô tình sẽ tạo ra một môi trường tốt cho những tư duy cố định len lỏi trong bộ não non nớt của con trẻ.
Theo thời gian, con trẻ sẽ xem mọi sai lầm đều là thất bại. Chúng thấy kết quả không tốt một chút cũng là thất bại. Thậm chí chúng có thể mất động lực và ngừng cố gắng cho chặng đường dài phía trước.
Tại sao phải cố gắng? Bởi khi cố gắng mọi chuyện dù khó khăn đến mấy cũng không còn là vấn đề nữa.
Thay vào đó, hãy dành những lời khen ngợi như thế này:
"Làm tốt lắm! Mẹ có thể nói rằng con đã dành rất nhiều thời gian học tập chuẩn bị cho bài thi".
"Làm tốt lắm! Mẹ biết mất rất nhiều thời gian nhưng con đã kiên trì đến khi hoàn thành công việc".
Bạn vẫn khen ngợi kết quả nhưng bạn khen ngợi kết quả dựa trên nền tảng của sự nỗ lực chứ không dựa trên giả định về tài năng hay kỹ năng bẩm sinh.
Bằng cách khen ngợi sự nỗ lực của con, bạn giúp tạo ra một môi trường mà ở đó con bạn cảm thấy mọi thứ đều có thể, tất cả những gì chúng phải làm là tiếp tục cố gắng.
Inc