MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ M&A nghìn tỷ trong ngành logistics Việt

Loạt thương vụ M&A nghìn tỷ được thực hiện trong năm 2019 cho thấy tiềm năng của ngành kinh tế logistics...

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 do Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 22 - 23/11 đã công bố nhiều thông tin quan trọng liên quan đến xu hướng M&A trong ngành logistics.

Quy mô ngành vượt 40 tỷ USD/năm

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cả nước có 296.469 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, tập trung chủ yếu ở khu vực có hệ thống cảng, đường bộ thuận lợi: Đồng bằng sông Hồng (38,8%), Đông Nam Bộ (33,8%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14,2%), trung du và miền núi phía bắc (5,6%), đồng bằng sông Cửu Long (5,2%), Tây Nguyên (2,4%).

Quy mô vốn khi đăng ký của các doanh nghiệp ngành logistics còn rất hạn chế, tới 90% số doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Doanh dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 -16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Hiện nay, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Đa số các chuyên gia trong ngành logistics đều cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng tăng cao.

Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 - 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.

Bùng nổ M&A trong ngành logistics

Việt Nam hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD. Năm 2017 - 2018 chứng kiến nhiều vụ M&A lớn như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics…

Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ 1PL và 2PL, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ "vá lỗ hổng" về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước.

Chỉ tính riêng năm 2019, ngành logistics Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám. Mới đây, Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản đã chi khoảng 4 tỷ Yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty Cổ phần Gemadept. Như vậy Gemadept được định giá tới 370 triệu USD.

Công ty Symphony International Holdings cũng cho biết đầu tư 42,6 triệu USD mua cổ phần của Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần. Symphony là một công ty đầu tư đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán London. Công ty đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như chăm sóc sức khỏe, khách sạn, bất động sản chủ yếu tại khu vực châu Á.

Đăng ký kinh doanh mới đây của Indo Trần cho biết, công ty Symphony Logistics đang nắm giữ 28,57% cổ phần. Số cổ phần này trước đây được nắm giữ bởi Singapore Post từ năm 2011. Hai cổ đông nước ngoài khác đang nắm giữ hơn 11% cổ phần là ông Veera Satchatippavarn người Thái Lan, một trong những nhà sáng lập công ty và ông Zulkifli Bin Baharudin, một lãnh đạo của Singapore Post.

Hai tập đoàn Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc đã mua hai trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 53 tỉ won (47,01 triệu USD). Hai tổ chức này đã mua lại các trung tâm hậu cần tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh thông qua Quỹ đầu tư mạo hiểm Mirae Asset - Naver Asia với tỉ lệ 50:50.

Trong tổng số tiền này, phía liên doanh tài trợ 30 tỷ won và phần còn lại sẽ do đơn vị đầu tư Shinhan Việt Nam nhận trách nhiệm thông qua tái cấp vốn và tiền gửi. Hiện nay, phía thuê bất động sản của hai trung tâm hậu cần này là các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung, CJ và Orion.

Mapletree Logistics Trust đã chi 725,1 tỷ đồng (tương đương 31,5 triệu USD) nhằm thâu tóm kho bãi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever. Sau khi hoàn tất việc mua lại, tài sản này sẽ được Unilever Vietnam thuê lại trong 10 năm với mức tiền thuê tăng hàng năm. Khu vực này có tổng diện tích khoảng 65.000 m2. Đây là Trung tâm phân phối lớn nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam với thiết kế tiết kiệm năng lượng hiệu quả, một dàn xe nâng mới từ Crown và áp dụng phần mềm quản lý kho SAP.

Một đại gia khác từ Nhật Bản là công ty quản lý lớn nhất Nhật Bản chuyên về bất động sản hậu cần CRE - thông qua công ty con CRE Asia - đã đồng ý đầu tư 6,2 triệu USD (142,6 tỷ đồng) vào Sembcorp Infra Services (SIS) trong một thỏa thuận mua cổ phiếu. Số vốn mới từ CRE Asia và các khoản vay ngân hàng sẽ phục vụ cho mục đích phát triển thêm 30.000 m2 diện tích kho vận tại Việt Nam của SIS.

Tập đoàn Sembcorp (Singapore) sở hữu Trung tâm kho vận Sembcorp Hải Phòng tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư trên 7,9 triệu USD.

Với tổng diện tích đất sử dụng rộng gần 26.000m2, Trung tâm kho vận được xây dựng với các khu nhà kho tiêu chuẩn xây sẵn phù hợp cho việc lưu kho các hàng hóa tổng hợp và hàng hóa ngoại quan, cũng như phù hợp với yêu cầu cụ thể của các khách hàng. Tổng dung lượng hàng hóa có thể lưu kho lên tới 15.000m3, tương đương 1.520 TEU.

Trung tâm này còn là nơi hỗ trợ các khách hàng trong việc tập trung các nhà cung cấp nước ngoài tại một địa điểm, tối ưu hóa hệ thống chuỗi cung ứng trong hoạt động dịch vụ hiện đại. Như vậy, 32 nhà đầu tư thứ cấp hiện đang hoạt động tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD sẽ được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư này của Tập đoàn Sembcorp, khi không phải đầu tư xây dựng kho bãi.

Theo Bạch Huệ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên