MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước chuyển từ Chính phủ chỉ đạo, điều hành sang kiến tạo, phục vụ

Sau hơn 100 ngày đầu “ngồi ghế nóng”, chính các nhà lãnh đạo đất nước đang tạo ra một kỳ vọng đổi thay với những dấu ấn cá nhân rõ nét về sự năng động, xông xáo và không ít quyết đoán.

Có thể, một chính sách, một thay đổi cần có độ trễ khi mà những thói quen, những tồn tại, những bất cập là chuyện thậm chí tính bằng thập kỷ. Nhưng những hành động của các nhà lãnh đạo đang tạo ra cảm hứng trong dân chúng.

Kỳ 1: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cuộc chiến giấy phép con

Thủ tướng đã 2 lần thực hiện đúng lời hứa của mình. Một, là tạo ra một mục tiêu, một đường hướng mới tạo ra ổn định và động lực phát triển quốc gia cho không chỉ một nhiệm kỳ. Và một, công khai thủ phạm đầu độc biển miền Trung - là để giữ chữ tín với dân.

Cởi trói

Xin bắt đầu từ quán cà phê mang tên Xin Chào!

Có lẽ, cái quán đó cũng nhỏ bé, cũng lẻ tẻ như ông chủ quán - một người dân vô danh thấp cổ bé họng. Nhưng ngay sau khi việc hình sự hóa vụ việc này xảy ra, đích thân Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu cơ quan chức năng xem xét dừng khởi tố.

Một công dân, bị khởi tố, rồi truy tố về tội “kinh doanh trái phép” chỉ vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh có 5 ngày! Đúng là không thể tưởng tượng nổi!

Nhưng rất có thể “Xin Chào” sẽ là cái tên trong biên niên sử kinh tế Việt Nam, bởi nó là điểm khởi đầu, là biểu hiện cho một sự cởi trói của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Chỉ một tuần sau đó, trong hội nghị trực tuyến với sự tham dự của hơn 1 vạn doanh nghiệp (DN), Thủ tướng tuyên bố: “Tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế”.

Không khó để nhận thấy, Chính phủ và Thủ tướng đã chọn đột phá trong nhiệm kỳ của mình chính là cởi trói cho DN, hỗ trợ cho DN.

Những con số không nói dối. Đến cuối 2015, cả nước còn có 513.000 DN hoạt động, nhưng cũng có tới 428.000 DN đã phải ngừng hoạt động, giải thể. Quá nhiều khó khăn, quá nhiều rào cản, quá nhiều bất trắc. Chính Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhìn nhận điều khiến cộng đồng DN bức xúc nhất là những rủi ro, những chi phí thủ tục hành chính cả chính thức và “không

chính thức”.

Trong khi đó, chi phí vốn cao nhất nhì khu vực bởi lãi suất vay bình quân đến 8,5%/năm, so với chẳng hạn Malaysia, cao gấp hơn 4 lần.

Trong khi đó... những người tạo ra của cải vật chất xã hội có khi bị coi như những con gà, con cừu trong cách thức, thái độ hành xử của không ít cán bộ công quyền. Nghị quyết 35 ra đời ngay sau đó được dư luận đánh giá có ý nghĩa cởi trói cho DN với những quy định tiến bộ: Không kiểm tra DN quá 1 lần mỗi năm; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Loại bỏ giấy phép con, loại bỏ phí, phụ phí không chính thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác vận chuyển hàng hóa tại ga Trảng Bom- Đồng Nai.  Ảnh: T.L

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác vận chuyển hàng hóa tại ga Trảng Bom- Đồng Nai.  Ảnh: T.L

Cuộc chiến giấy phép con

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa từng gây xôn xao dư luận khi lượng hóa lợi ích của những cái “giấy phép con” trong một hội nghị chính thức: “Hằng tháng thu mấy chục tỉ, giờ chỉ còn vài trăm triệu, cho nên họ chống đối kinh lắm”.

Họ là ai? Họ là những bộ ngành. Họ là xin-cho. Họ là người cấp phép. “Mấy chục tỉ mỗi tháng”, đó chính là lý do chính khiến giấy phép cha, giấy phép con, giấy phép cháu càng chống càng tăng, càng cắt bỏ càng nảy nở.

Ngót 7.000 giấy phép các loại với 2.833 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền là một thứ kỷ lục kinh hoàng vừa tạo độc quyền, hay lợi ích nhóm cho cơ quan quản lý, vừa như một thứ barie cản trở phát triển.

Trước 1.7 vừa rồi, thời điểm các giấy phép con hết hiệu lực nếu không nâng cấp từ thông tư (của bộ ngành), lên thành nghị định - không chỉ có chống đối, không chỉ có chạy đua nâng cấp thông tư, không chỉ có kêu khó - như lời ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp - còn có tình trạng: Lợi dụng các nghị định được làm theo thủ tục rút gọn nên đã tranh thủ “lồng lợi ích bộ ngành vào trong”.

Rồi trước giờ G, có ý kiến rằng không thể kịp khi bộ ngành nào cũng nâng cấp theo kiểu “nước đến chân

mới nhảy”.

Nhưng chính Thủ tướng đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, không cho phép các bộ

bàn lùi.

Có thể nói từ vụ việc tưởng rất nhỏ như quán cà phê Xin Chào cho đến cái lớn là lần đầu tiên ra Nghị quyết về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng đang gián tiếp truyền tải một thông điệp có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DN cũng như đối với nền kinh tế cho dù để biến việc cởi trói, tạo động lực trên chính sách trở thành thực tế còn rất nhiều việc phải làm.

Những phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

*“Nói về phát triển kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong. Vì vậy cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh”

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17.4.

*“Cải cách tốt, pháp luật tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư ngày 25.4.

*“Không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh”

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư).

*“Nghề nghiệp tốt là vũ khí tốt cho ta vào đời. Không ngừng học tập, rèn luyện là lời khuyên tôi chuyển tải đến anh em công nhân hiện nay”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ khoảng 3.000 công nhân lao động của các địa phương trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang ngày 30.4.

*“Lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình, không để tình trạng trên trải thảm đỏ dưới có đinh”

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại diễn ra ở Lai Châu hôm 23.4.

*“Cần tích cực đưa “hơi thở cuộc sống” vào hoạt động của Công đoàn các cấp, nhằm kịp thời phối hợp bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động”

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với Tổng LĐLĐVN sáng 9.7

*“Chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Không vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân, không vì kinh tế mà hy sinh môi trường”

(Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành ngày 1.7).

Theo Đào Tấn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên