MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước tiến mới của dự án 19.000 tỉ đồng tạo đột phá cho tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam

Sau khi hoàn thành, nút giao thông này hứa hẹn sẽ mở những điểm nghẽn kết nối thông thương đi các hướng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ.

Mới đây, tỉnh Bình Dương đã chính thức khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn (gói thầu XL1) có tổng chiều dài 2,4 km, là một trong những hạng mục khó thực hiện nhất của dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Đây là nút giao kết nối cửa ngõ tỉnh Bình Dương với đường xa lộ Hà Nội (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi tập trung lượng xe tham gia giao thông tấp nập cả ngày lẫn đêm.

Theo đó, các nhà thầu đánh giá đây là nút giao thông phức tạp nhất đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương và cũng là một trong những hạng mục quan trọng của dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bước tiến mới của dự án 19.000 tỉ đồng tạo đột phá cho tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Sau khi hoàn thành, nút giao Tân Vạn sẽ giải tỏa áp lực giao thông cho các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ - Ảnh phối cảnh:

Gói thầu XL1 này có giá trị 1.831 tỷ đồng và do 7 đơn vị doanh nghiệp liên doanh triển khai xây dựng gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả; Công ty cổ phần xây lắp thương mại Delta; Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam; Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 492; Công ty cổ phần Hải Đăng; Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.050 ngày.

Sau khi hoàn thành, nút giao thông này hứa hẹn sẽ mở những điểm nghẽn kết nối thông thương từ Bình Dương đi các hướng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của khu vực, mở ra cơ hội mới cho việc đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 26,6 km. Dự kiến tổng mức đầu tư là 19.280 tỉ đồng, đi qua 3 địa phương (TP Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An), với tổng kinh phí bồi thường trên 13.063 tỉ đồng.

Ngoài nút giao Tân Vạn dài 2,4 km còn có đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km, đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km.

Bước tiến mới của dự án 19.000 tỉ đồng tạo đột phá cho tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Nút giao Tân Vạn được các nhà thầu đánh giá là khó thực hiện nhất trên đường Vành đai 3- đoạn qua Bình Dương

Đoạn đường được thiết kế đạt chuẩn cao tốc với đường song hành hai bên. Giai đoạn đầu tuyến được đầu tư 4 làn xe và nâng lên 8 làn khi hoàn thiện, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, dự án qua tỉnh Bình Dương cũng được trí 2 cầu vượt tại nút giao Bình Chuẩn và 2 hầm chui cho xe máy và xe ô tô trên đường song hành…

Riêng năm 2024, đoạn qua Bình Dương được bố trí vốn đầu tư cho các dự án thành phần là 3.834,8 tỉ đồng.

Ngoài gói thầu trên, năm ngoái 2023, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây đoạn Bình Chuẩn - Cầu Bình Gởi dài 8,9 km. Trong đó, đoạn đi qua Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km đã được đầu tư 10 năm trước.

Dự án giao thông có mức đầu tư lớn nhất ở phía Nam

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài hơn 76km, với tổng vốn gần 75.400 tỉ đồng, là dự án có mức đầu tư lớn nhất trong các công trình giao thông phía Nam từ trước đến nay. Toàn tuyến đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Theo thiết kế, đường Vành đai 3 TP.HCM có phần đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, chiều rộng nền đường 19,75m, bố trí 4 làn xe có dải phân cách và đường song hành 2 bên bố trí 2 làn xe cấp đường ô tô đô thị với vận tốc thiết kế 60 km/giờ.

Toàn tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường hứa hẹn mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics... Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.

Bước tiến mới của dự án 19.000 tỉ đồng tạo đột phá cho tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Thủ tướng thị sát tuyến đường Vành đai 3 TPHCM - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hôm 13/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thị sát tuyến đường Vành đai 3 TPHCM trên địa bàn TPHCM và đề nghị các cơ quan xác định năm 2024, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành dự án đúng tiến độ, phấn đấu vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng lưu ý, dự án đường Vành đai 3 TPHCM có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết nối vùng, kết nối với các tuyến cao tốc huyết mạch hướng tâm TPHCM và yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải cùng với Chủ tịch UBND TPHCM hằng tháng giao ban kiểm điểm tiến độ dự án Vành đai 3.

Sáng ngày 25/4, Thành phố Bến Cát (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức Lễ công bố thành lập TP Bến Cát.

Như vậy, tỉnh Bình Dương đã chính thức trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có 5 thành phố trực thuộc gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát.



Theo Trang Anh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên