MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước ngoặt công nghệ trong trải nghiệm thanh toán không tiền mặt

19-07-2020 - 16:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ 5 phút điền thông tin, từ 15 đến 30 phút phê duyệt là có ngay hạn mức thẻ tín dụng đến 200 triệu đồng mà không cần gặp gỡ, không cần nhân viên kinh doanh, không cần người phê duyệt, không cần chứng minh thu nhập cũng không cần giấy tờ liên quan khác. Công nghệ đang mang lại những thay đổi rõ rệt trong trải nghiệm người dùng Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bước ngoặt công nghệ trong trải nghiệm thanh toán không tiền mặt  - Ảnh 1.

Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey đánh giá chuyển đổi kỹ thuật số đang là ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng trên toàn thế giới, từ trải nghiệm của khách hàng cho đến hỗ trợ toàn bộ quy trình tín dụng. Tại Việt Nam, tốc độ ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng với sự quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà Nước và các Ngân hàng Thương Mại đang ghi nhận bước chuyển mạnh mẽ.

Trong những ngày qua, nhiều ngân hàng đã và đang luân phiên công bố về việc ứng dụng eKYC cho phép mở tài khoản thanh toán hoàn toàn trực tuyến và chỉ với vài phút đăng ký. Đặc biệt, vượt xa hơn thế, ngành ngân hàng Việt đã có Ngân hàng Quốc Tế (VIB) ứng dụng thành công công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ học máy (Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để duyệt mở thẻ tín dụng hoàn toàn trực tuyến trong thời gian rút ngắn kỷ lục chỉ còn từ 15 đến 30 phút so với 5-7 ngày như thông thường. Đây có thể xem là bước ngoặt về công nghệ trong trải nghiệm của người dùng thẻ Việt Nam và là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy số hóa ngân hàng, tiến tới một xã hội không tiền mặt tại Việt Nam.

Chia sẻ về sự kiện này Bà Trần Thu Hương – Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Bán lẻ VIB và ông Nguyễn An Nguyên – Nhà Sáng Lập và là Tổng Giám Đốc của Trusting Social cho biết đây là dự án mà hai bên đặt rất nhiều tâm huyết nhằm 100% số hóa quy trình phê duyệt hạn mức tín dụng và phát hành thẻ cho khách hàng với kỳ vọng tạo nên sự bước ngoặt công nghệ trong trải nghiệm người dùng thẻ nói riêng và thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam nói chung.

Bước ngoặt công nghệ trong trải nghiệm thanh toán không tiền mặt  - Ảnh 2.

Bà Trần Thu Hương – Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Bán lẻ VIB và ông Nguyễn An Nguyên – Nhà Sáng Lập và là Tổng Giám Đốc của Trusting Social

Là một trong 4 startup fintech Việt được Sequoia Capital định giá trên 100 triệu USD, là doanh nghiệp nổi bật với giải pháp chấm điểm tín dụng người dùng qua dữ liệu lớn và là đối tác của VIB trong dự án, ông đánh giá đâu là những lợi thế để Việt Nam phát triển tài chính số và chúng ta còn cần những điều kiện gì để tài chính số thực sự trở thành xu hướng phổ biến?

Ông Nguyễn An Nguyên: Tuy quy mô hệ sinh thái tài chính số của Việt Nam còn tương đối nhỏ nhưng chúng ta vẫn có những lợi thế về cầu và cung tín dụng.

Cầu tín dụng Việt Nam rất tốt. Một hệ sinh thái tài chính muốn phát triển thì phải có nhu cầu. Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nhu cầu tín dụng cũng luôn cao khoảng 2,5-3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và ở tất cả các phân khúc khách hàng.

Về cung tín dụng, tại Việt Nam hệ thống ngân hàng và công ty tài chính hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt trong 5 năm qua tốc độ chuyển đổi số đã diễn ra rất nhanh, trong đó, chúng tôi đánh giá cao VIB với sự năng động và sáng tạo trong chuyển đổi ngân hàng số cũng như chiến lược kinh doanh tập trung rất hiệu quả vào việc mở rộng tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến phân khúc khách hàng mới, chưa được phục vụ trước đây.

Từ góc độ của một trong những ngân hàng hàng đầu về Ngân hàng số và định vị dẫn đầu xu thế thẻ, chiến lược của VIB là gì để cạnh tranh và thúc đẩy tài chính số?

Bà Trần Thu Hương: Đi trước, đón đầu và làm chủ công nghệ. Đó luôn là chiến lược của VIB để chinh phục khách hàng, khẳng định vị thế, thúc đẩy tài chính số và tiên phong góp vào quá trình chuyển đổi hướng tới xã hội không tiền mặt tại Việt Nam. Song song đó chúng tôi quan tâm hàng đầu tới việc đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật liên quan và mang lại mối quan hệ ngày càng mật thiết với khách hàng thông qua trải nghiệm ưu việt nhất.

Để góp phần thúc đẩy tài chính số, chúng tôi cho rằng Big Data và AI sẽ là công nghệ chiếm lĩnh thị trường thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, giúp chúng tôi thay vì tiếp cận hoặc mang đến sản phẩm dịch vụ cho khách hàng một cách đại trà, thì sẽ cung cấp đúng những thông tin thiết thực cho từng nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Đặc biệt, khi biết rằng NHNN đang soạn thảo quy định cho phép định danh điện tử (eKYC), số hóa ngân hàng… chúng tôi, với sự đồng hành của Trusting Social, đã mạnh dạn ứng dụng thí điểm công nghệ này vào quá trình duyệt cấp thẻ trên một cơ số nhỏ khách hàng, qua dòng thẻ đặc biệt Online Plus chuyên dụng cho mua sắm trực tuyến với tính năng hoàn tiền đến 6% cho giao dịch online và miễn phí bảo hiểm giao dịch gian lận thẻ lên đến 105 triệu đồng/năm. Sau 6 tháng triển khai với nhiều lần cải tiến và hoàn thiện, đến nay, quy trình đã được tối ưu hóa và chúng tôi tự hào khi trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ cao vào thẩm định hồ sơ mở thẻ tín dụng trong thời gian rút ngắn kỷ lục và hoàn toàn trên Internet.

Với sự kiện này, VIB cũng thiết lập thời gian kỷ lục trong trải nghiệm đăng ký mở thẻ tín dụng của khách hàng tại Việt Nam: chỉ 5 phút điền thông tin và15 đến 30 phút phê duyệt, nhanh gấp 500 lần so với thời gian trung bình của quy trình thoing thường. Quy trình chấm điểm tín dụng cho khách hàng thực hiện 100% tự động với công nghệ Big Data và AI trên nền tảng 100% thông tin đến từ hơn 50 triệu dữ liệu khách hàng mạng viễn thông và các mạng xã hội hàng đầu như Zalo, facebook,..

NHNN đã có động thái hỗ trợ nghiên cứu hành lang pháp lý cho e-KYC. Khi cơ chế này được thực thi, khách hàng của VIB sẽ nhận kết quả phê duyệt hạn mức thẻ gần như ngay lập tức và có thẻ tín dụng để chi tiêu luôn tại chỗ.

Bước ngoặt công nghệ trong trải nghiệm thanh toán không tiền mặt  - Ảnh 3.

Dự án ứng dụng Big Data và AI vào quy trình duyệt hạn mức và phát hành thẻ tín dụng của VIB với sự đồng hành của Trusting Social là một bước tiến trong việc mở rộng tín dụng số tại Việt Nam. Điều gì là tâm đắc nhất của hai bên khi triển khai dự án này?

Ông Nguyễn An Nguyên: Bài toán trung tâm của tín dụng số là đánh giá rủi ro tín dụng. Các trung tâm thông tin tín dụng của nhà nước hay của tư nhân (gọi chung là CIC) là một bước tiến về chia sẻ lịch sử tín dụng của khách hàng giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin này thường không có tính cập nhật vì thời gian khoản vay gần nhất trước đó của một người có thể là đã vài năm và thông tin chỉ dừng ở đó. Với những người chưa bao giờ đi vay, chưa có lịch sử tín dụng thì việc đánh giá rủi ro tín dụng càng phức tạp hơn và họ sẽ cần nộp nhiều loại giấy tờ có chứng nhận của bên thứ ba như hợp đồng lao động, sao kê bảng lương… để Ngân hàng đánh giá.

Trusting Social tiếp cận mức độ khác, mọi thông tin đều là thông tin tín dụng, ví dụ thông tin linkedin sẽ cho biết về quá trình làm việc. Đã có gần 100 tổ chức tài chính sử dụng giải pháp đánh giá rủi ro dựa trên dữ liệu lớn của Trusting Social để phê duyệt hơn 1 triệu khoản vay mỗi tháng.

Điều tôi tâm đắc là Big Data không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng tốt hơn mà còn giúp giảm chi phí cho một khoản vay, từ đó có thể mở rộng phạm vi cho vay tới những người trước đây chưa được ngân hàng phục vụ. Ví dụ nếu một khoản vay 500 USD mà chi phí đã hết 50 USD cho nhân sự, hệ thống, ... thì khả năng là ngân hàng sẽ không thực hiện nhưng với ứng dụng công nghệ, chi phí này giảm xuống còn 5 cent thì món vay đó có thể thực hiện dễ dàng.

Bà Trần Thu Hương: Công nghệ giúp chúng tôi mở rộng tệp khách hàng thông qua tăng khả năng đánh giá rủi ro tín dụng. Chẳng hạn Đối với những người chưa đủ điều kiện được hạn mức thẻ 30-50 triệu chúng tôi vẫn có đủ cơ sở thông tin để cấp hạn mức thấp hơn, giúp khách hàng vượt qua trở ngại bước đầu để tiếp cận với lợi ích của tài chính số. Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng đẩy mạnh được việc phổ cập lợi ích chi tiêu không dùng tiền mặt và quan trọng hơn có thể tạo ra lịch sử tín dụng cho họ để làm cơ sở mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ khác của họ sau này như mua xe máy, ôtô, mua nhà…

Với chúng tôi, công nghệ giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính cho đông đảo người dân, đóng vai trò tiên phong trong cái việc phổ cập tài chính số. Phần lớn những người chưa tiếp cận tài chính, họ không chứng minh được thu nhập, ví dụ như những người kinh doanh cá nhân, nhưng không có nghĩa họ không có khả năng thanh toán. Và Big Data sẽ hỗ trợ chúng tôi đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của họ bằng những dữ liệu khác như thói quen tiêu dùng, hành vi online, offline,… đều có thể là nguồn dữ liệu.

Liên tục chinh phục những cột mốc mới trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Trong thời gian tới, VIB sẽ hoạch định chiến lược phát triển như thế nào để "không ngủ quên trên chiến thắng"? Cột mốc kế tiếp mà ngân hàng xác định cho mình, là gì?

Bà Trần Thu Hương: Là một trong các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao nhất thị trường trong các năm qua, với chất lượng tài sản nằm trong top đầu của hệ thống, cùng với việc tiên phong áp dụng các chuẩn quản trị rủi ro Basel II tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng VIB có một nền tảng rất tốt và rất cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa và định hướng dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ trong những năm tiếp theo. Các con số về số 1 thị trường trong lĩnh vực cho vay ô tô, số 1 về doanh số bán bảo hiểm tại Việt Nam, về tăng trưởng thẻ tín dụng, tăng trưởng cho vay nhà ở …, đã phần nào phản ánh sự lao động và đầu tư nghiêm túc, hướng đến phát triển bền vững, dài hạn của chúng tôi.

Tại VIB, chúng tôi không có khái niệm "chiến thắng". Chúng tôi coi đó là các cột mốc trong chặng đường phát triển bền vững của mình. Để đánh dấu thêm các cột mốc mới trong tương lai, VIB coi trọng việc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác lớn và hàng đầu trong các mảng tiêu dùng cá nhân, công nghệ.., cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ, đi sâu vào từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể. Với cốt lõi đi từ khách hàng làm trọng tâm, chúng tôi đặt toàn bộ tâm huyết và trí tuệ trong việc trở thành ngân hàng bán lẻ có chất lượng và quy mô hàng đầu tại Việt Nam.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên