Bước ngoặt cuộc đời của hai bạn trẻ Việt mang trong mình ước mơ trở thành phi công
"Trong chiến tranh Phi công Mỹ nhận định phi công Việt Nam là thông minh nhất thế giới thì ở thời bình, học lái máy bay dân dụng không thể thua kém các học viên nước ngoài được"
Khi trò chuyện với chúng tôi sau phần thi phỏng vấn chương trình đào tạo học viên phi công, Bùi Thanh Tùng, một thí sinh được Hội đồng tuyển sinh đánh giá cao, ngỏ ý không muốn hình ảnh của mình xuất hiện trên mặt báo. Sinh năm 1993, lứa tuổi 9x, nhưng lại là một trong các ứng viên "già nhất" ứng tuyển trong kỳ tuyển sinh lần này, Tùng cảm thấy có lẽ mình nên giữ kết quả này cho riêng mình và gia đình, khi nào trở thành phi công thực thụ thì kể cho bạn bè sau cũng được.
Nhà Tùng ở trong khu tập thể của sân bay. Cha Tùng làm việc cho không quân gần 30 năm, cả cuộc đời của ông gắn với động cơ máy bay. Tuổi thơ của Tùng là tiếng máy bay ù ù bay sát trên đầu, là những con chim sắt khổng lồ mà nhờ có bàn tay của những kỹ sư như cha Tùng mà nó có thể sải cánh khắp năm châu bốn bể. Những hình ảnh đó đã nuôi dưỡng ước mơ trong Tùng sau này sẽ trở thành phi công.
Chi phí để đào tạo phi công ở nước ngoài khoảng 4-5 tỷ đồng trong khi việc đào tạo trong nước đã dừng chính sách hỗ trợ học phí. Năm 2015, Tùng dự định thi tuyển phi công của Vietnam Airlines, em đã đi kiểm tra sức khoẻ nhưng cuối cùng quyết định dừng lại. "Thời điểm đó điều kiện kinh tế gia đình chưa cho phép".
Tạm dừng ước mơ chinh phục bầu trời, Tùng trở thành nhân viên văn phòng của một công ty vận tải với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của Tùng có lẽ sẽ kéo dài một cách tẻ nhạt như vậy nếu không đọc được chính sách hỗ trợ tài chính cho học viên phi công của Vinpearl Air, theo đó nếu thi đỗ kỳ thi tuyển học viên phi công của VinAviation sẽ được ngân hàng cho vay vốn tối đa từ 75% đến 85 % học phí (tùy theo tài sản bảo đảm), tức là sẽ chỉ phải đóng ban đầu khoảng 420 triệu đồng. Học viên sẽ được ân hạn trả lãi và gốc trong vòng 26 tháng, sau đó sẽ trả dần trong thời gian đi làm và nhận lương.
Tin nhắn "Con nên thử sức" của cha đã làm tăng thêm quyết tâm cho Tùng.
"Rào cản lớn nhất của mình khi làm phi công là chi phí học tập. Nhưng khi biết được giải pháp tài chính của Vinpearl Air, mình đã quyết định nộp đơn. Không phải bây giờ thì không bao giờ" – Tùng chia sẻ về quyết định.
Nguyễn Lê Bảo Anh, sinh năm 2001, vừa tốt nghiệp trung học. Cao 1m77, da ngăm đen, đầu cắt cua, mắt một mí, thân hình rắn rỏi, Bảo Anh là đại diện của thế hệ Z, thế hệ tiếp cận với internet và tiếng Anh từ rất sớm. Không giống như Tùng, bố mẹ Bảo Anh không ai làm trong ngành hàng không, nhưng Bảo Anh có cậu là một phi công của Vietnam Airlines. Những lần thấy cậu đi đi về về trong bộ đồng phục phi công, Bảo Anh thấy cậu mình thật "oách" và nghề phi công là một điều gì đó rất đáng mơ ước. Năm lớp 11, Bảo Anh thổ lộ với mẹ muốn theo nghiệp phi công của cậu và được bố mẹ hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên bố của Bảo Anh vẫn yêu cầu con thi vào một trường đại học trong nước để "có phương án dự phòng".
Bảo Anh biết thông tin về đợt tuyển dụng đầu tiên của Vinpearl Air khi được cậu của mình thông báo vào đầu tháng 9 năm nay. Hai cậu cháu đã sang Long Biên để tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ. Có lẽ, kinh nghiệm được truyền tải từ cậu đã khiến Bảo Anh đâu đó sẽ có lợi thế hơn các bạn cùng lứa.
Để vượt qua vòng tuyển sinh đào tạo phi công, thí sinh sẽ phải đáp ứng đủ 2 điều kiện bắt buộc là giấy chứng nhận sức khoẻ loại 1 được cấp bởi Trung tâm y tế hàng không và tiếng Anh ITELS 5.5 hoặc TOEFL 600 điểm. Tiếp theo thí sinh sẽ trải qua kỳ thi ADAPT, bài thi về khả năng thích ứng nghề nghiệp và cuối cùng là vòng phỏng vấn.
"Bài thi ADAPT là phần khó nhất. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm 6 phần thi trong 4 tiếng đồng hồ và nó yêu cầu sự tập trung cao độ. Đề thi tổng hợp nhiều phần test nhanh về cách tính toán, khả năng tập trung làm nhiều việc một lúc như vừa coi màn hình có gì vừa phải tính toán nhanh. Một phần thi bay trên mô hình, người ta sẽ cho khẩu lệnh tốc độ cao bao nhiêu, hướng bay như thế nào và thí sinh phải giữ máy bay ở phạm vi cho phép", Bảo Anh nhớ lại. Bài thi ADAPT sẽ đánh giá khá sát các tố chất cần có của một phi công.
Đáng chú ý, trong nội dung thi ADAPT không chỉ là tiếng Anh đơn thuần mà còn có kiến thức về Vật lý và Toán. Tuy nhiên, kiến thức cơ bản nên không quá khó với các bạn vừa tốt nghiệp phổ thông trung học như Bảo Anh. Thậm chí đi làm vài năm như Tùng thì "Kiến thức về Toán Lý trong đề thi đa phần là kiến thức cơ bản của lớp 10 như lực tác động, khối khí thay đổi nhiệt độ, tốc độ bay, những ai học chắc vật lý phổ thông sẽ vượt qua được. Tuy nhiên đề bài dài đòi hỏi khả năng tính nhanh vì có 30 câu hỏi trả lời trong 15 phút, tức là mỗi câu chỉ có 30s để trả lời", Tùng chia sẻ kinh nghiệm.
Về sức khoẻ, thí sinh dự thi phi công ngoài sức khoẻ loại 1 còn yêu cầu không bị mắc bệnh mù màu, không mắc các bệnh về răng miệng, không có sẹo to, và không có hình xăm lộ liễu. Khi khám sức khoẻ, các thí sinh sẽ có bài test kiểm tra tiền đình. Thí sinh sẽ phải ngồi trên một cái ghế quay tốc độ 2 vòng/s, khi ghế dừng quay phải đi vững trên một đường thẳng nếu lệch thì dù các mảng khác tốt vẫn bị đánh trượt.
Tùng vẫn giữ thói quen tập luyện ở một võ đường 3 buổi/tuần, những ngày còn lại Tùng đi chạy hoặc tập chống đẩy tại nhà. Trong khi đó Bảo Anh chơi các môn thể thao như bóng rổ, gym hoặc đu xà để duy trì thể lực.
Với Tùng, việc Vinpearl Air hỗ trợ tài chính học tập là một cú hích lớn thúc đẩy em thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở. Nó sẽ giảm gánh nặng rất nhiều cho gia đình khi bố mẹ đã bắt đầu sang tuổi ngũ tuần.
Xa gia đình, học trong môi trường quốc tế với các học viên có chiều cao "hàng khủng", tuy nhiên Tùng sẽ không tự ti với chiều cao 1m73 và thể lực của người Việt Nam. Tùng cho rằng mình đã chuẩn bị đủ tâm lý để đi học, "vì trong chiến tranh Việt Nam các phi công lão luyện bậc thầy của Mỹ còn phải gọi các phi công Việt Nam là phi công thông minh nhất thế giới thì ở thời bình, không có lý gì phi công Việt Nam đi học lái máy bay dân dụng lại thua các học viên nước ngoài được'.
Trong khi đó với Bảo Anh, mặc dù đã quyết tâm theo đuổi nghề phi công từ cách đây hơn 1 năm, và nếu không có sự xuất hiện của Vinpearl Air, có thể bố mẹ sẽ cho Bảo Anh đi du học. Tuy nhiên Bảo Anh chia sẻ, "Vingroup nổi tiếng ở Việt Nam là một tập đoàn đa ngành như bất động sản, công nghệ, ô tô và gần đây nhất là hàng không. Tập đoàn uy tín có tầm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam nên em kỳ vọng tương lai của Vinpearl Air cũng sẽ tiếp nối con đường như vậy. Thị trường hàng không của Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa phát triển, không chỉ nhu cầu đi lại trong nước mà khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều, các hãng hàng không phải đầu tư cho đội bay, mà có thêm máy bay thì phải có thêm phi công. Nhân lực phi công hiện nay của Việt Nam mỗi năm đào tạo được 100 phi công không thể đáp ứng được nhu cầu. Em thấy đây là hướng đi đúng đắn để có thêm nhân lực tốt cho xã hội".
Bảo Anh nhắn nhủ với các bạn, nếu thực sự đam mê bất kỳ điều gì thì cứ theo đuổi, đủ đam mê sẽ tìm được cách, dù có khó khăn thế nào cũng sẽ có cách giải quyết để về đích.