MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là "anh em sống chết có nhau" dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ "đoản mệnh"

30-04-2019 - 22:41 PM | Sống

46 tuổi, tôi nhận ra rằng: Gì cũng có hai mặt. Bạn bè cũng vậy, ít càng tốt, và càng ít hi vọng thì càng đỡ thất vọng! Tạo ra một mối quan hệ thân sâu kiểu anh em sống chết có nhau, quá khó ở thời đại này.

Tình bạn thật sự ngày càng hiếm?

Tôi gặp Brian – biên kịch, sống ở New York cách đây vài năm qua công việc. Điều này đưa đẩy chúng tôi tới bữa ăn tối cùng với hai bà vợ. Dấu hiệu về một tình bạn nhanh chóng hiện diện và rõ rệt.

Chúng tôi cùng thích những bài hát trong album Blonde on Blonde của Dylan, cùng mê mẩn lời thoại trong phim Chinatown. Vào lúc món tôm cà ri xanh được đưa tới, chúng tôi đang tung hứng ăn ý. Các bà vợ buộc phải xen vào: "Này các anh, có muốn lấy lại hơi chút không?".

Sau bữa tối, khi Brian và vợ bước lên chuyến tàu số 2, một ý nghĩ xảy đến với tôi. Nếu chúng tôi gặp nhau ở đại học, anh ấy đã có thể làm phù rể tại đám cưới của tôi.

Đó là chuyện cách đây 4 năm. Kể từ lần đó, chúng tôi gặp nhau 4 lần nữa. Bọn tôi là "bạn" nhưng không hẳn là bạn. Chúng tôi đã cố vượt qua rào chắn đó nhưng bị cuộc đời ngáng giữa đường.

Câu chuyện của chúng tôi không phải là hiếm.

Vào thời điểm bạn 30, 40 tuổi, nhiều người mới bước vào cuộc đời bạn, qua công việc, qua những buổi đi chơi với con, và tất nhiên là cả Facebook. Nhưng bạn bè thân thực sự, kiểu bạn mà bạn gặp ở đại học, kiểu mà bạn sẽ gọi khi gặp khó khăn, họ lại hiếm có.

Khi con người bước vào ngưỡng cửa giữa cuộc đời, những ngày thanh xuân đam mê khám phá, những ngày mà cuộc đời giống như một buổi blind date hoành tráng, đang trôi dần. Áp lực vì bận rộn, những ưu tiên thay đổi và người ta thường đòi hỏi khắt khe hơn ở bạn bè mình.

Dù bạn có bao nhiêu bạn bè đi nữa thì bóng hình định mệnh đang len lỏi vào: quãng thời gian vun vén tình bạn thân thiết, những việc mà bạn từng làm thời teen hay những năm đầu của tuổi 20, gần như là chấm dứt rồi. Đã đến lúc bạn phải chấp nhận những người bạn "xã giao": K.O.F’s (viết tắt của kind of friends: gần như là bạn), tạm thời vậy.

Nhưng đôi khi, mọi người chỉ nhận ra họ đã bỏ bê bạn bè mình như nào khi gặp phải những sự kiện lớn trong đời, ví dụ như chuyển nhà hay ly dị.

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là anh em sống chết có nhau dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ đoản mệnh - Ảnh 1.

Ý nghĩ đó ập tới Lisa Degliantoni, một giám đốc tài chính về giáo dục ở Chicago, khi cô tổ chức bữa tiệc đón tuổi 39 cách đây vài tháng. Sau khi từ New York chuyển tới Evanston, Ill, Lisa nhận ra rằng cô ấy có 857 bạn trên Facebook, 509 người theo dõi trên Twitter nhưng vẫn không biết liệu có thể hoàn thiện danh sách mời cho bữa tiệc. "Tôi có làm một danh sách chi tiết về những bước ngoặt trong đời mình, đó là thời điểm tôi gặp hầu hết những người bạn của mình. Và đó chắc chắn là thời trung học và khi mới đi làm", Lisa nói.

Sau khi ly hôn ở tuổi tứ tuần, Robert Glover, một nhà vật lý trị liệu ở Bellevue, Wash nhận ra rằng nhóm bạn đã lặng lẽ vơi đi trong nhiều năm khi anh tập trung vào gia đình và sự nghiệp. "Bất ngờ thay, khi vợ bước ra khỏi cuộc đời mình, bạn mới vỡ lẽ rằng mình cô đơn" – tiến sĩ Glover, giờ đã 56 tuổi nói. "Tôi thích đến những lớp nhảy salsa hơn là cố gắng hẹn hò, tôi thích tự giới thiệu mình với mấy gã là: ‘Này, đi làm một chén đi’".

Trong nhiều nghiên cứu về các nhóm cùng độ tuổi, Laura L. Carstensen – giáo sư tâm lý, giám đốc trung tâm Stanford ở Longevity, California thấy rằng khi bước vào giai đoạn giữa cuộc đời, số lượng người mà chúng ta tương tác ít đi và ta trở nên gần gũi hơn với những người bạn hiện tại.

Thực ra, cô ấy lý giải, đó là vì bên trong con người ta có chiếc đồng hồ báo thức, nó réo lên khi có những sự kiện lớn, ví dụ như bước sang tuổi 30. Nó nhắc nhở ta rằng vòng tròn thời gian đang hẹp dần nên đó là lúc nên ngừng chuyện khám phá để tập trung vào hiện tại. "Bạn có xu hướng tập trung vào những thứ có tầm quan trọng về mặt cảm xúc với bạn. Bởi vậy bạn không còn thích thú tới tiệc cocktail nữa, bạn muốn dành thời gian bên con trẻ".

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là anh em sống chết có nhau dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ đoản mệnh - Ảnh 2.

Khi những điều kiện ngoại cảnh thay đổi, thật khó để có được 3 yếu tố từng được các nhà xã hội học ở những năm 50 cho là tiên quyết trong việc xây dựng tình bạn thân thiết. Đó là: cự ly gần, những tương tác lặp lại và không theo kế hoạch, và một hình thái khuyến khích người ta cảm thấy thoải mái và thành thật với nhau, Rebecca G. Adams – giáo sư khoa xã hội học và lão khoa tại trường đại học Bắc Carolina ở Greensboro, cho biết. Điều này giải thích tại sao rất nhiều người gặp được bạn tri kỷ của mình khi học đại học, Rebecca nói.

Trong thế giới công việc, khái niệm "cự ly gần" khó có thể duy trì, khi các đồng nghiệp liên tục thay đổi vị trí, nhiệm vụ hoặc chuyển công ty. Năm ngoái, Erica Rivinoja, nữ biên kịch của series "Up all night" trên NBC, trở nên thân thiết với cô thực tập Jen, khi cùng làm việc trong dự án của nhà đài. Ngay lập tức, họ biết lịch tập gym và gu ăn uống của nhau. Không cần hỏi Jen cũng đoán được khi nào Rivinoja cần một ly cà phê, hoặc khi nào thì bạn mình cần một ly trà đá.

Rivinoja, 35 tuổi, nhớ lại: "Nhưng ngay khi dự án phim kết thúc, thật khó để gần nhau khi hằng ngày không gặp. Tụi tôi dành thời gian để thỉnh thoảng đi uống vài ly, nhưng không có những buổi chiều dài lang thang ngoài bãi biển, ngắm hoàng hôn xuống, rồi khoác vai nhau đi bar nữa."

Chỗ làm việc có thể khiến mọi người thành đối thủ, vì vậy ai cũng học cách che giấu cảm xúc, các nhược điểm và chuyện riêng tư của bản thân. Những mối quan hệ công việc thường mang tới một cảm giác máy móc. Rất khó để phân định thời điểm nào những câu chào xã giao kết thúc và khi nào thì tình bạn thực sự bắt đầu.

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là anh em sống chết có nhau dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ đoản mệnh - Ảnh 3.

Khác biệt tình trạng nghề nghiệp và thu nhập càng làm phức tạp vấn đề

Adriane Duckworth, nữ giám đốc tiếp thị nay chuyển sang làm nghệ sĩ tại Hamilton, Ontario, nói: "Mọi chuyện trở nên kỳ quặc hơn khi bạn bè của bạn kiếm được quá nhiều tiền. Thậm chí kiếm ít cũng khiến mọi người xa lạ nhau." Cô vừa dự đám cưới và chúc mừng cho một cặp bạn bè khác đang quen nhau. Nhưng tự họ khiến mọi người xung quanh ít giao lưu tiếp chuyện hơn vì lúc nào cũng nói về tiền.

Duckworth, 32 tuổi, kể: "Tại đám cưới một bạn chung, khách ngồi trong bàn ai cũng phàn nàn với tôi cái cặp vợ chồng cứ hỏi xung quanh thu nhập bao nhiêu. Người kiếm ít tiền thì thấy khó chịu còn người kiếm nhiều thì cười khẩy hoặc không quan tâm".

Một lý do khác: khi mọi người xe duyên, những thách thức tăng lên theo cấp số nhân.

Các cặp vợ chồng giống như phải "kết bạn gấp đôi", Kara Baskin, một nhà báo làm việc ở Boston, nói: "Bạn vừa lo cô ấy có hợp gu mình không, vừa lo chồng cô ấy thích bạn, vừa lo chồng bạn thích cô kia, hoặc có khi 2 anh chồng thích nhau"

Cách đây không lâu, Baskin mời vợ chồng đối tác mới đến nhà ăn tối. Nhưng người vợ dè dặt bởi căn nhà ốp gỗ mới chuyển đến của cô hay bữa tối cùng spaghetti. Cô chia sẻ: "Về cơ bản rõ ràng vợ anh ấy đã ‘bị’ mời đến tham dự. Chị ấy ngồi vào cái ghế bếp Ikea ở nhà tôi như kiểu đang hạ mình xuống mỏ than."

Sau món tráng miệng, cặp vợ chồng nhanh chóng rời đi. Ngày hôm sau tại nơi làm việc, người chồng lập tức bào chữa cho vợ mình đang mệt mỏi. "Không nói ra nhưng chúng tôi sẽ không tìm đến công ty của họ nữa", Baskin nói.

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là anh em sống chết có nhau dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ đoản mệnh - Ảnh 4.

Có thêm trẻ em vào, câu chuyện lại càng được đẩy đi xa hơn

Đột nhiên cả tá phụ huynh vây quanh bạn, nhưng mối quan hệ lại tụt xuống mức dễ vỡ nhất, như diễn viên hài độc thoại Louis CK: "Anh và em xa lạ. Duyên không thể chọn nhau. Con chúng mình cùng lớp. Ước chung đường về sau"

Nếu một phụ huynh cố bắt chuyện, kiểu quan hệ này cũng chỉ là tạm thời - và tùy thuộc nhiều vào tính tình mấy đứa trẻ.

Caryl Lyons, 44 tuổi, chuyên tổ chức sự kiện ở Danville, California. Cô và chồng từng rất thân với một cặp phụ huynh khác. Nhưng tình bạn giữa hai gia đình gặp rắc rối khi hai cậu con trai của họ nghỉ chơi nhau. Cô Lyons kể, giờ khi hai gia đình lên kế hoạch tổ chức tiệc BBQ ngoài trời, con trai cô sẽ lập tức hỏi: "Con mời bạn khác nữa được không?"

Thế giới quan thay đổi

Các yếu tố bên ngoài không phải là rào cản duy nhất. Sau 30, người ta thường trải qua những thay đổi nội tâm trong cách họ tiếp cận tình bạn. Hành trình tự khám phá giúp ta hiểu bản thân hơn, vì vậy ta trở nên khó tính hơn về những người mình quyết định ở bên.

Marla Paul, tác giả của cuốn " The Friendship Crisis: Finding, Making, and Keeping Friends When You’re Not a Kid Anymore " (Khủng hoảng tình bạn: tìm-quen-giữ bạn khi ta không còn trẻ) viết: "Tiêu chuẩn làm bạn thấp hơn khi chúng ta trẻ, ta sẵn sàng làm quen với hầu hết mọi người chỉ vì một ly margarita"

Những kẻ gia trưởng, nữ hoàng rắc rối, người ích kỷ: họ dĩ nhiên xứng đáng với việc càng ngày càng ít bạn bè hơn.

Thayer Prime, một cố vấn chiến lược 32 tuổi sống ở London, đã phát triển một thang điểm vui tươi, với mức tối đa 100 là "BFF – best friend forever". Cô thử xếp điểm những người bạn mới khi họ có hành vi phiền toái hoặc nói dối. Đa số họ kết thúc trong khoảng từ 30 đến 60, số ít khác tuy cao nhưng vẫn thấp điểm hơn một người quen.

Cô giải thích cách tính của bản thân: "Bạn gặp ai đó thực sự tốt, nhưng nếu họ một lần không nghe máy và không gọi lại, hãy giảm xuống còn 90, nếu hai lần như thế, thì 50. Nếu họ đến muộn trong lần hẹn đầu, thì điểm chỉ còn 10. Tất nhiên mọi người có thể cho điểm cộng với hành động tốt."

Va chạm, trải qua nhiều thứ, nhiều người mang quan điểm khắt khe hơn về tình bạn.

Quay lại gã bạn của tôi, Brian, người viết kịch, chính hắn cũng nhận xét: "Khi còn trẻ, cậu có thể xác định điều gì thực sự có ý nghĩa, để trở thành bạn bè một cách nghiêm túc hơn." (Thú vị là hắn, Brian Koppelman, từng là đồng sản xuất của "Solitary Man"(2010), bộ phim về một người đàn ông trung niên cố gắng thân thiết lại với bạn bè và gia đình).

"Tình bạn của tao được xây dựng từ các tiểu thuyết "Bố già" và "Diner", hắn nói. "Bạn bè tao cũng xem như anh em một nhà, bất cứ điều gì nằm ngoài lòng trung thành tuyệt đối đều có nghĩa là khai trừ khỏi nhóm".

Khi chúng ta cùng già đi, kiểu mô hình "mafia" đó dĩ nhiên trở nên phi thực tế.

Bước qua tuổi 30, những người bạn từng là anh em sống chết có nhau dần trở nên nhạt nhẽo: Không cùng mức thu nhập, tình bạn dễ đoản mệnh - Ảnh 5.

Muôn cách xử lý khủng hoảng

Đến một thời điểm, bạn đã trải qua hết cảm giác của các mối quan hệ mệt mỏi hoặc thất bại. Bạn nắm rõ trách nhiệm của việc tung hứng ba trái bóng công việc, gia đình và bạn bè cùng lúc. Bạn giỏi hơn trong việc tiết chế xúc cảm với những người mới. Koppelman, 46 tuổi, nói: "Gì cũng có hai mặt. Bạn bè cũng vậy, ít càng tốt, và càng ít hi vọng thì càng đỡ thất vọng."

"Tất nhiên tôi không bao giờ hạ tiêu chuẩn bạn bè xuống", ông nói. "Nhưng giờ tôi dùng từ ‘bạn bè’ theo nghĩa rộng. Tạo ra một mối quan hệ thân sâu kiểu anh em sống chết có nhau, quá khó ở thời đại này."

Một số chấp nhận giảm bớt kỳ vọng về bạn bè. Cô Lisa Degliantoni nói về chiến lược hiện tại: "Tôi tìm cách tiếp cận hiệu quả hơn, tập trung những người có chung quan điểm, sở thích và chỉ chia sẻ những thứ thật cần thiết. Tôi có một người bạn uống cocktail, một người bạn đọc sách, một người chia sẻ cách nuôi dạy con, vài người bạn bóng rổ, một hàng xóm thân và một người bạn tập gym."

"Nó dễ lấp đầy cuộc sống của tôi hơn là tìm cho ra một nhóm bạn thân" - cô nói

Một số người chọn phương án quay ngược đồng hồ để sống lại tuổi 20.

Dave Cervini là một giám đốc đài phát thanh. Anh đến New York năm 30 tuổi. Anh thấy cô đơn đến nỗi quyết định sẽ đi bộ hàng ngày cùng con mèo của mình ở Central Park, hi vọng gặp được một người nói chuyện cùng. Toàn tìm được những ánh nhìn tò mò, anh quyết định lập ra tổ chức "Mạng xã hội New York", một nhóm hoạt động giúp mọi người gặp gỡ nhau. Nhóm đã phát triển thành công ty sự kiện với hơn 2.000 thành viên, hầu hết đều ngoài 30 với khoảng 200 người trong số đó là thành viên tích cực.

Anh chia sẻ: "Cần chút can đảm để mọi người có bước đi đầu tiên. Hi vọng rằng tôi đang giúp mọi chuyện dễ dàng hơn, bằng ví dụ từ chính bản thân mình."

Với tinh thần đó, gần đây tôi đã gọi cho Brian. Tụi tôi đùa về việc hai thằng cùng bận đến nỗi chẳng có thời gian để hẹn hò nhau hay chuẩn bị một bữa tối lãng mạn chứ khuya thế này thì nhà hàng đóng cửa mất rồi.

Đã ba tháng kể từ thời điểm ấy trôi qua.

(NYtimes, Tâm lý học tội phạm) 

Theo Hạ Vũ - Phong Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên