Buôn đồng hồ Rolex đã qua sử dụng lời hơn cả đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ
Đồng hồ xa xỉ được coi như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật và rượu vang.
- 09-03-2023Xuất hiện loại malware mới “Made in China” cực nguy hiểm, né được hết các phần mềm diệt virus
- 09-03-2023Giá lợn hơi liên tục giảm
- 09-03-2023Nhìn bảng thông số này, nhiều người giật mình không hiểu nổi Samsung, Xiaomi, Oppo… đang làm gì trên thị trường smartphone
Theo báo cáo của Boston Consulting Group Inc. và WatchBox, giá đồng hồ Rolex, Patek Philippe và Audemars Piguet tăng trung bình 20% mỗi năm kể từ giữa năm 2018, vượt xa chỉ số chứng khoán S&P 500, do giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng mạnh.
Các công ty trong chỉ số S&P 500 đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình hàng năm là 8% từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2023, trong khi rổ các mẫu đồng hồ đã qua sử dụng từ các thương hiệu hàng đầu của Thụy Sỹ tăng trưởng với tốc độ hơn gấp đôi, dù giá của một số mẫu đã qua sử dụng, bao gồm Rolex Daytonas, Patek Nautilus và AP Royal Oaks, đã giảm tới 1/3 kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào quý I/2022.
Giá của một rổ đồng hồ được gọi là thương hiệu độc lập bao gồm FP Journe, H. Moser & Cie và De Bethune, một nhà sản xuất nhỏ của Thụy Sỹ do WatchBox sở hữu phần lớn, đã tăng 15% so với cùng kỳ. Đồng hồ xa xỉ được coi như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật và rượu vang.
Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 có tốc độ tăng trưởng hằng năm là 12% từ năm 2012 đến năm 2022, trong khi giá đồng hồ Rolex, Patek và AP tăng trung bình 7%.
Giá đồng hồ trên thị trường thứ cấp tăng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch khi người tiêu dùng Thế hệ Y và Thế hệ Z, những người rủng rỉnh tiền mặt và mắc kẹt ở nhà, đã phát hiện ra một sở thích mới tốn kém là sưu tập đồng hồ Thụy Sỹ. Sự tăng giảm của giá trị tiền kỹ thuật số cũng tương quan với giá đồng hồ đã qua sử dụng.
WatchBox có trụ sở tại Philadelphia là một trong những công ty bán đồng hồ đã qua sử dụng hàng đầu trên thế giới với các hoạt động ở Mỹ, Thụy Sỹ và Hong Kong (Trung Quốc) và những người ủng hộ bao gồm cựu cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan và nhà đầu tư hoạt động Bill Ackman. Boston Consulting Group và WatchBox đồng tài trợ cho nghiên cứu người tiêu dùng được thực hiện cho báo cáo.
Đồng hồ xa xỉ được coi như một loại tài sản thay thế cho cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật và rượu vang
Thị trường đồng hồ xa xỉ thứ cấp đã tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2022, so với thị trường bán lẻ sơ cấp trị giá 55 tỷ USD. Theo dự báo của Boston Consulting Group, thị trường đồng hồ cũ dự kiến sẽ tăng 9% lên 35 tỷ USD vào năm 2026 khi giá tăng và nhiều người bắt đầu sưu tập đồng hồ hơn.
LuxeConsult, một công ty tư vấn và phân tích độc lập của Thụy Sỹ, gần đây dự báo rằng doanh số bán đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng sẽ vượt qua thị trường bán lẻ sơ cấp vào năm 2033 với doanh thu tăng lên 85 tỷ USD.
Thường được mệnh danh là "thị trường xám", lĩnh vực đồng hồ xa xỉ thứ cấp đã được thúc đẩy vào tháng 12 khi nhà sản xuất lớn của Thụy Sỹ là Rolex SA cho biết sẽ bắt đầu việc bán lại đồng hồ đã qua sử dụng thông qua mạng lưới đại lý ủy quyền của mình.
VTV.vn