MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buôn lậu thuốc lá: Có dấu hiệu của bảo kê và lợi ích nhóm?

17-11-2018 - 19:14 PM | Thị trường

Buôn lậu thuốc lá có lợi nhuận khủng nhưng tỷ lệ bắt giữ chỉ chiếm 1%. Liệu có dấu hiệu lợi ích nhóm, tham nhũng, thậm chí bảo kê cho tình trạng này.

Tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra từ nhiều năm nay, số lượng các vụ buôn lậu tăng lên theo thời gian và chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2014-2018, lực lượng này đã bắt giữ 1.033 vụ, 153 đối tượng, thu gần 3 triệu bao thuốc lá, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự 18 đối tượng, xử lý hình sự chỉ có 1 vụ.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp-Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội biên phòng) cho biết, số lượng thuốc lá lậu mà lực lượng biên phòng bắt được tăng đều qua các năm gần đây.

Cụ thể, trong năm 2016, bộ đội Biên phòng đã bắt giữ gần 1 triệu bao thuốc lá lậu, năm 2017 bắt giữ 2,7 triệu bao, riêng 8 tháng năm 2018 đã bắt giữ khoảng 2 triệu bao.

Buôn lậu thuốc lá: Có dấu hiệu của bảo kê và lợi ích nhóm? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn lậu thuốc lá.

Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, gồm: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra ngày càng nghiêm trọng là do mức lợi nhuận khủng của mặt hàng này. Lợi nhuận lên tới hơn 350%, cao hơn cả buôn ma túy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh lý do lợi nhuận cao còn có những lý do từ công tác quản lý thiếu hiệu quả, thậm chí không loại trừ có sự “bảo kê” của cán bộ trong bộ máy chính quyền và các lực lượng chức năng được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Vì theo Bộ luật hình sự, hành vi buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên đối tượng vi phạm luôn mang vác ít hơn số lượng này, để nếu bị bắt chỉ bị xử phạt hành chính.

Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn chia sẻ, sở dĩ buôn lậu thuốc lá không ngừng gia tăng, trước hết là sự thiếu quyết liệt của các cấp, ngành: “Ngoài việc lúng túng thì còn có hiện tượng thờ ơ. Chúng ta cũng không thể không đặt dấu hỏi nghi ngờ về dấu hiệu nhóm lợi ích, về sự bảo kê trong vấn đề này, không ngoại trừ ở đây những lợi ích liên quan đến tham nhũng”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh, ngoài những nguyên nhân trên, không thể nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Nhiều đơn vị chưa đánh giá sát sao và quyết liệt trong việc xử lý vấn nạn thuốc lá lậu.

Chống buôn lậu thuốc lá đã và đang là bài toán khó, là cuộc chiến dài hơi, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Do đó để công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian tới thực sự hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cần tổng kết xem bất cập ở chỗ nào và tiến hành sửa đổi. Đồng thời hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về thuế. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức; bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí cho hoạt động này. Định kỳ phải thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá lậu.

Bên cạnh đó, cần có thái độ kiên quyết trong việc xử lý thuốc lá lậu. Mặt khác, phải tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với người tích cực tố cáo, tố giác hành vi buôn lậu. Đặc biệt, cần có chính sách bảo đảm việc làm cho người dân vùng biên, phát triển kinh tế thì mới xóa được tận gốc mọi hành vi tội phạm.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, tăng thuế cũng là một giải pháp tốt, song đây không phải là tối ưu. Các nước giáp biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn Việt Nam. Nếu tăng thuế thì vô hình trung tạo vùng trũng ở Việt Nam, kích cầu buôn lậu.

Cũng theo ông Cương, đầu vào của thuốc lá lậu ở biên giới, cửa khẩu còn đầu ra thì bày bán công khai, ở đâu cũng có, từ các nhà hàng, cửa hiệu, trong chợ. Do vậy, ngoài kiểm soát đầu vào thì cần phải kiểm soát cả đầu ra, thay vì thả lỏng như hiện nay.

Theo Chung Thủy

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên