Buôn lậu thuốc lá ở Long An có giảm nhưng tinh vi hơn
Công tác chống buôn lậu thời gian qua gặp khó khăn do đối tượng buôn lậu rất manh động, chống đối để tẩu tán tang vật vi phạm.
- 09-09-2019Phá 'ổ' buôn thuốc lá lậu số lượng lớn tại Ninh Bình
- 27-06-2019Tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá
- 17-11-2018Buôn lậu thuốc lá: Có dấu hiệu của bảo kê và lợi ích nhóm?
Ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn đi khảo sát thực tế, đánh giá tình hình kinh doanh và tiêu thụ đường và thuốc lá trên địa bàn tỉnh Long An.
Khảo sát tại cột mốc 183 ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các khu vực biên giới ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hệ lụy lớn đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và sản xuất nội địa lẫn nguồn thu quốc gia.
"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT là đầu mối phối hợp các cơ quan công an, bộ đội biên phòng... tấn công trọng tâm các điểm trung chuyển, buôn lậu qua biên giới" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Làm việc với đoàn công tác, ông Phạm Đức Chinh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh, cho biết từ đầu năm tới nay, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới của tỉnh Long An mặc dù cơ bản được kiểm soát, kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp tại một số luồng tuyến, địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Long An tại cột mốc 183 xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ
Ngoài mặt hàng thuốc lá ngoại, thời gian qua, còn có nhiều hàng hóa được đối tượng buôn lậu vận chuyển qua biên giới, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, như: quần áo, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử đã qua sử dụng, ma túy...
Hàng hóa nhập lậu được một số đối tượng vận chuyển thuê (người dân địa phương), mang, vác hoặc sử dụng xe máy vận chuyển qua biên giới, sau đó đưa lên ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện. Do đó, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng thường rất manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu tán tang vật.
Cũng theo ông Phạm Đức Chinh, tình hình vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu có giảm nhưng vẫn còn phức tạp và tinh vi hơn so với trước đây. Công tác chống buôn lậu thời gian qua gặp khó khăn do đối tượng buôn lậu rất manh động, chống đối để tẩu tán tang vật vi phạm.
Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi hơn, như: lợi dụng việc ký gửi hàng hóa theo các phương tiện vận tải hành khách để vận chuyển hàng lậu, thuốc lá điếu nhập lậu được đựng trong các loại bao bì hàng hóa thông thường và người gửi hàng chỉ cung cấp số điện thoại người nhận nên khi bị lực lượng kiểm tra phát hiện, việc xác minh chủ lô hàng gặp nhiều trở ngại.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 1 đến 30-8, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Long An phát hiện, bắt giữ, xử lý 799 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu. Thu giữ 1.340.320 gói thuốc lá ngoại (giảm 170.476 gói so cùng kỳ 2018); 31,5 tấn đường cát (giảm 23 tấn so cùng kỳ 2018) và nhiều hàng hóa điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo...trị giá trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Truy cứu trách nhiệm hình sự 40 vụ buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu.
Người lao động