Buôn lậu vẫn nóng ở vùng biên
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo phải giải bài toán vì sao buôn lậu vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.
- 16-06-2018Phó Thủ tướng chỉ đạo chống buôn lậu, kinh doanh trái phép xì gà
- 13-06-2018Cảnh sát biển phát hiện vụ buôn lậu 5 triệu lít dầu có người Trung Quốc tham gia
- 10-06-2018Bị khởi tố vì buôn lậu nguyên chiếc cabin xe tải vào Việt Nam
6 tháng đầu năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa ở các tuyến biên giới Tây Nam và trên vùng biển phía Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt với các mặt hàng xăng dầu, đường, thuốc lá. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị "Triển khai đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh trọng điểm Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2018" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức ngày 19-6 tại TP HCM.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu rõ các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đã lợi dụng chính sách, sơ hở trong tuần tra, kiểm soát đã tìm cách móc nối với các lực lượng chức năng, nhất là cán bộ đứng đầu đơn vị, người trực tiếp làm việc ở các cửa khẩu, cảng biển hoặc lợi dụng việc chuyển tải, vận chuyển xăng dầu nhập kho, gửi kho ngoại quan để hợp thức hóa đơn, chứng từ và vận chuyển trực tiếp hàng lậu đến nơi tiêu thụ. Có trường hợp đối tượng lợi dụng việc thành lập công ty, nhập khẩu hàng hóa để thuê, thành lập công ty "ma" ở địa phương khác để nhập lậu hàng hóa, khai báo hải quan không đúng. Lợi dụng, lôi kéo người dân địa phương biên giới để vận chuyển hàng lậu.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng hệ thống phân luồng trong thủ tục hải quan điện tử để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng như khai báo sai số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá hàng hóa, kể cả hủy tờ khai hoặc ủy thác cho các doanh nghiệp mới có uy tín làm thủ tục thông quan. Lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh hàng hóa để buôn lậu, cũng như lợi dụng các tàu chuyên tuyến để nhập lậu hàng hóa.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết mặt hàng đường lậu trên địa bàn rất khó quản lý. Đối tượng buôn lậu vận chuyển đường từ biên giới về địa phương còn nguyên cả bao bì của Thái Lan và đưa thẳng vào doanh nghiệp mới chịu đổ "xá" để trộn rồi vô bao giấy loại 10 kg bán trên thị trường.
Buôn lậu đường cát ở Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: THỐT NỐT
UBND tỉnh An Giang cũng khẳng định tình hình buôn lậu rất nóng, không biết bao giờ mới có "thuốc" để chữa. "Lực lượng chức năng thì thiếu trách nhiệm, tiếp tay, không biết có chống lưng hay không vì buôn lậu không phải từ trên trời rơi xuống. Cơ quan chức năng chuẩn bị ra quân kiểm tra, kiểm soát hàng lậu thì bị "lộ" ngay. Buôn lậu ai cũng biết nhưng vẫn tồn tại, đến mùa nước nổi thì tràn lan. Đối tượng buôn lậu vô tư hoạt động. Hàng hóa lậu vượt qua biên giới vào được rồi rất dễ tiêu thụ. Công tác phối hợp còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ trong công tác phòng chống còn thiếu" - đại diện UBND tỉnh An Giang nêu thực tế.
Sở Công Thương tỉnh Long An thừa nhận: "Chúng ta có phương án phòng chống thì họ cũng có phương án đối phó lại. Nên cần phải có thêm nhiều giải pháp khác nhau mới chống buôn lậu có hiệu quả". Các địa phương yêu cầu cần trang bị camera để giám sát những kẻ buôn lậu cũng như giám sát cả lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 389 quốc gia - yêu cầu các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Công việc này không phải riêng của lực lượng nào mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan để có biện pháp phù hợp trong công tác này. Đồng thời, địa phương cần quan tâm tạo việc làm cho người dân vùng biên giới để đối tượng buôn lậu không còn cơ hội lôi kéo. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo phải giải bài toán tại sao buôn lậu vẫn tồn tại; xác định trách nhiệm cụ thể để giữ vững trong sạch trong lực lượng, quản lý chặt chẽ nội bộ.
Năng lực sản xuất chưa đáp ứng thị trường
Lãnh đạo các tỉnh đưa ra lý do hàng lậu tràn vào Việt Nam một phần còn do năng lực sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng nên mới xảy ra cớ sự. Giá đường lậu rẻ hơn hàng trong nước từ 1.000-2.000 đồng/kg, nếu doanh nghiệp đường trong nước làm ra sản phẩm thấp hơn thì đường lậu khó mà cạnh tranh được. Có địa phương còn đưa ra "sáng kiến" là nên giao cho doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đúng với "gu" với một số loại thuốc lá lậu nhưng giá rẻ hơn để chống buôn lậu.
Người lao động