Buông dự án 4.300 tỉ Nam Hội An, ‘đế chế’ PPCAT của ‘đại gia’ Nguyễn Kháng Chiến còn gì?
Tại ngày 31/12/2019, CTCP PPC An Thịnh Đà Nẵng - đơn vị phát triển Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng có quy mô tài sản vượt trội với nhiều doanh nghiệp cùng nhóm.
Ông Nguyễn Kháng Chiến - Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Nam Hội An, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT)
Buông dự án 4.300 tỉ tại Quảng Nam?
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Lê Trí Thanh – vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC (An Thịnh – PPC) của CTCP Quốc tế Nam Hội An (Nam Hội An).
Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp quyết định chủ trương đầu tư từ ngày 24/3/2017, có diện tích khoảng 199ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.300 tỉ đồng. Tới nay, dự án đã chậm tiến độ hơn 36 tháng nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục giãn tiến độ, chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Nam Hội An mới dừng ở mức 4,5 tỉ đồng, cách xa so với tổng mức đầu tư dự án.
Nam Hội An được thành lập vào tháng 4/2016, bởi 3 cổ đông cá nhân, bao gồm: ông Nguyễn Kháng Chiến (sở hữu 55% VĐL), ông Cao Đăng Hoạt (sở hữu 40% VĐL); và ông Phạm Ngọc Bình (sở hữu 5% VĐL).
Ông Cao Đăng Hoạt (SN 1978) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Ruby –pháp nhân được sáng lập bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp (bao gồm: Công ty TNHH Định An, Công ty TNHH Nhạc Sơn, Công ty TNHH Dũng Hân) có trụ sở tại Lào Cai.
Trong khi đó, với tỉ lệ sở hữu chi phối, vai trò chủ đạo tại Nam Hội An thuộc về ông Nguyễn Kháng Chiến (SN 1964) – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam (PPCAT).
PPCAT lớn cỡ nào?
Theo giới thiệu trên trang chủ, PPCAT tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh được thành lập năm 1996, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, PPCAT cho biết đã phát triển nhiều dự án như: KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), KCN Lương Sơn và Yên Quang (Hòa Bình), KCN Nhân Hòa – Bắc Ninh, KCN Đông Quế Sơn (Quảng Nam), KCN An Việt (Quế Võ 6)…
Đối với mảng bất động sản thương mại và nghỉ dưỡng, tập đoàn này đã cho ra mắt một số dự án như: Khu đô thị Cảng Chân Dê (Hòa Bình), tổ hợp chung cư Harmony (Đà Nẵng) đến Khách sạn Wyndham Garden Hanoi, KĐT Park Hill Thành Công (Vĩnh Phúc), tổ hợp Wyndham Soleil Danang Hotel và Ánh Dương Hòa Bình Hotel...
Bên cạnh đó, PPCAT còn cho biết đang đầu tư vào các dự án sân golf như: Phúc Tiến – Hòa Bình, Bàn Long – Vĩnh Phúc, Gia Khau – Vĩnh Phúc, Bảo Ninh – Quảng Bình.
Ba mảng kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc tạo ra bức tranh tài chính nhiều mảng sáng, tối cho ‘đế chế’ PPCAT của ông Nguyễn Kháng Chiến.
Đơn cử như PPCAT, báo cáo riêng lẻ cho thấy doanh nghiệp này đã thua lỗ 4 năm liên tiếp, kéo dài từ năm 2016 tới năm 2019. Trong đó, đỉnh điểm là năm 2019, công ty này báo lỗ tới 10,6 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của PPC An Thịnh Việt Nam đạt 389,3 tỉ đồng, cao gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu.
Sau giai đoạn khó khăn của PPCAT, đầu tháng 3/2020, ông Nguyễn Kháng Chiến đã nhường lại vai trò người đại diện pháp luật tại doanh nghiệp này cho người em gái Nguyễn Thị Minh Phượng (SN 1967).
Bà Phượng là CEO của CTCP Bất động sản An Thịnh Hòa Bình (ATHB) – Chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).
Trong giai đoạn 2016 – 2019, ATHB ghi nhận doanh thu có nhiều biến động, song đều báo lãi. Đỉnh điểm là năm 2016, công ty này báo lãi 12,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận trên doanh thu đạt gần 30%.
Một doanh nghiệp khác cùng nhóm là CTCP An Thịnh – Quảng Nam (ATQN) – chủ đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Đông Quế Sơn" – cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 156,1 tỉ đồng, báo lãi 22,9 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 57,5% và 37,7% so với năm 2018.
Ông Nguyễn Kháng Chiến còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (Mã CK: LEC) – nơi 3 pháp nhân do ông làm Tổng Giám đốc là Công ty TNHH Lemony Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đoàn Linh Gia và Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển và Xây dựng Việt Trung nắm giữ tới 60,18% vốn điều lệ.
LEC là chủ đầu tư Khu phức hợp EVN – Land Central Đà Nẵng giai đoạn 1 (tên thương mại là Khu căn hộ Harmony Tower), đi vào hoạt động từ Quý 2/2013.
Dồn lực cho 'siêu' dự án 10.000 tỉ đồng
So về quy mô, tại ngày 31/12/2019, các doanh nghiệp kể trên đều có tổng tài sản kém xa so với CTCP PPC An Thịnh Đà Nẵng.
Doanh nghiệp này đang đầu tư phát triển dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng (giai đoạn 1) tại phường An Hải Bắc, Phước Mỹ, Tp. Đà Nẵng.
Dự án này trước là Tổ hợp Ánh Dương, có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng, tọa lạc trên khu ‘đất vàng’ rộng 21.800m2 do HUD Holdings (nay là Tổng Công ty HUD) làm chủ đầu tư. Chưa rõ HUD đã bán dự án này từ khi nào, chỉ biết rằng, tới tháng 2/2016, PPCAT bất ngờ công bố việc đầu tư vào dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng có vị trí trùng với dự án mà HUD triển khai. Khi đó, giới đầu tư mới biết tổ hợp này đã được sang tên đổi chủ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, quy mô tổng tài sản của PPC An Thịnh Đà Nẵng tăng cả nghìn tỉ đồng mỗi năm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới chủ PPCAT tới dự án này. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 3.740,8 tỉ đồng, cao gấp 4,95 lần vốn chủ sở hữu.
Công ty TNHH Lemony Hà Nội tiền thân là Công ty TNHH MTV Quản lý bất động sản Tân Đại Dương. Doanh nghiệp này ít nhiều có liên quan tới dự án Khu căn hộ cao cấp, trung tâm TM Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, Quận 7, Tp. HCM của CTCP ADC – TDC.
CTCP ADC – TDC do CTCP Xây dựng Trang trí kiến trúc ADC – một doanh nghiệp gốc Nhà nước - thành lập từ cuối năm 2009 đẻ khai thác khu đất chung cư thuộc dự án Quận 7, Tp. HCM.
Viettimes