MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Business Times: Vì sao dù gặp làn sóng Covid-19 lần thứ 4, động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam vẫn nguyên vẹn?

Business Times: Vì sao dù gặp làn sóng Covid-19 lần thứ 4, động lực tăng trưởng dài hạn của Việt Nam vẫn nguyên vẹn?

Business Times đưa tin, bất chấp những bất định do làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (BofA), bất chấp làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, các động lực tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn còn nguyên. Đáng chú ý, các nhà kinh tế của BofA đang kỳ vọng GDP Việt Nam sẽ tăng từ 7 - 8% trong giai đoạn 3 năm tới. Đây còn là mức cao nhất ở khu vực châu Á.

Lý giải về điều này, các chuyên gia kinh tế tại BofA cho biết, kể từ năm 2019, sự kết hợp của các khoản đầu tư bền vững, dẫn đầu bởi khu vực FDI, cùng với thu nhập khả dụng tăng nhanh và tiêu dùng mạnh mẽ đã thúc đẩy tăng trưởng trung hạn của đất nước.

"Chúng tôi xem xét lại các yếu tố trên trong báo cáo lần này và nhận thấy rằng, mặc dù Covid-19 đang tiếp tục tác động đến triển vọng ngắn hạn, song đối với trung hạn, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ không có nhiều thay đổi", báo cáo nêu rõ.

Năm ngoái, FDI toàn cầu đã gần như chạm đáy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, giảm từ 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống còn ước tính 859 tỷ USD năm 2020. Trong khi đó, tại Việt Nam, tuy vốn FDI có giảm so với năm 2019, song mức độ giảm vẫn nhẹ hơn đáng kể (giảm 2% so với năm 2019).

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế của BofA cũng cảnh báo, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 146% vào năm 2020 vẫn là rủi ro trung hạn đối với sự ổn định kinh tế và tài chính. Đồng thời, cần xem xét những rủi ro ngắn hạn bởi đây cũng có thể trở thành nguồn nguy cơ chính dẫn đến sự suy giảm vào năm 2022.

Liên quan đến vấn đề vaccine, hiện Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine phòng Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau. Đến nay đã có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.

Sử dụng vaccine Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu này và trong bối cảnh vaccine về Việt Nam với số lượng lớn trong thời gian tới, cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành.

Chiến dịch tiêm chủng này phải được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).

Báo cáo kết luận, bất chấp rủi ro trong ngắn hạn tăng lên, cùng với làn sóng mới của dịch bệnh có nguy cơ làm giảm nhu cầu trong nước vào nửa cuối năm, thì tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn nguyên vẹn.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên