Bứt phá lập đỉnh mới, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm
Thậm chí, nếu xét riêng trong tuần giao dịch cuối tháng 10 (từ 25-29/10), VN-Index ghi nhận mức tăng 3,96% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong tuần.
Chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 10 với những diễn biến khá tích cực. Chỉ số VN-Index liên tiếp tăng và xác lập đỉnh cao mới 1.444,27 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng. Tại mức điểm này, VN-Index tăng 30,84% so với đầu năm và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới từ đầu năm tới nay.
Thậm chí, nếu xét riêng trong tuần giao dịch cuối tháng 10 (từ 25-29/10), VN-Index ghi nhận mức tăng 3,96% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong tuần.
VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới từ đầu năm 2021
Đà tăng ấn tượng của thị trường trong giai đoạn tháng 10 có đóng góp từ nhiều nhóm ngành, có thể kể tới như chứng khoán, thép, dầu khí, bất động sản, xây dựng…
Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm 1.444,27, định giá P/E của VN-Index hiện lên xấp xỉ 17 lần. Đây là mức định giá chưa quá cao nếu so với giai đoạn đầu năm 2018 (P/E khoảng 22), trong khi tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp được dự báo tiếp tục tích cực trong những quý tới.
Với đà tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, vốn hóa HoSE hiện đạt gần 5,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 1,6 triệu tỷ đồng so với đầu năm.
Nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản chứng khoán, thanh khoản thị trường đạt "tỷ đô" mỗi phiên
Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2021. Nếu như năm 2020, thanh khoản bình quân sàn HoSE (bao gồm thỏa thuận) chỉ đạt gần 6.200 tỷ đồng mỗi phiên thì đến năm 2021, những phiên giao dịch "tỷ đô" là điều thường xuyên diễn ra.
Thanh khoản thị trường thường duy trì mức "tỷ đô"
Việc tăng trưởng mạnh ngoài sức tưởng tượng về thanh khoản đã khiến HoSE gặp phải sự cố hy hữu khi liên tục nghẽn lệnh. Với sự vào cuộc của FPT, tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE đã được khắc phục kể từ tháng 7.
Sự bùng nổ về thanh khoản thị trường có vai trò quan trọng từ lớp nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư "F0". Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 3 năm đạt 837.345 tài khoản).
Tài khoản mở mới liên tiếp lập kỷ lục
Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất là việc (1) Lãi suất huy động đang ở mức thấp; (2) Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81; (3) Nền kinh tế được kỳ vọng hồi phục mạnh sau đại dịch; (4) Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; (5) Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới; (6) Người dân ít có sự lựa chọn kênh đầu tư và (7) Việc áp dụng eKYC giúp mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn.
Nhà đầu tư đổ xô đầu tư chứng khoán cũng kéo theo nhu cầu sử dụng margin trên toàn thị trường tăng vọt. Ước tính, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 3/2021 vào khoảng 155.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 155.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục gần 49.000 tỷ đồng trên toàn thị trường
Trái với sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước, trong 9 tháng qua, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 49.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, gấp 3 lần lượng bán ròng trong cả năm trước (khối ngoại bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm 2020).
Trong số những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, HPG là cái tên "dẫn đầu" khi bị khối ngoại bán ròng hơn 16.000 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là CTG (-6.994 tỷ đồng), VNM (-6.322 tỷ đồng), VIC (-6.105 tỷ đồng), VPB (-5.988 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng khá mạnh chứng chỉ quỹ STB với giá trị 3.500 tỷ đồng, xếp tiếp theo là VHM với 2.797 tỷ đồng. Ngoài ra, chứng chỉ quỹ ETFs cũng được khối ngoại mua ròng mạnh, nổi bật là FUEVFVND (2.731 tỷ đồng) và FUESSVFM (998 tỷ đồng).