Buýt đường sông chuyển hướng phục vụ khách du lịch
Tuyến buýt đường sông số 1 của TP.HCM phải chuyển hướng sang phục vụ khách du lịch vì người dân ít đi lại.
- 12-12-2017Buýt đường sông TP.HCM, đi 1 giờ chờ 3 tiếng
- 10-12-2017Buýt đường sông ở Sài Gòn "cháy" vé sau 10 ngày miễn phí, người dân chờ 2 tiếng mới được lên tàu
- 20-11-2017Cận cảnh bến buýt đường sông hiện đại như ở nước ngoài nằm ngay trung tâm Sài Gòn
- 12-11-2017Đề xuất cho 10 xe điện kết nối buýt đường sông mỗi ngày
Đi làm ít, đi ngắm sông thì nhiều
PV Báo Giao thông trở lại tuyến buýt đường sông số 1 tại bến Bạch Đằng (Q.1) để về Thủ Đức sau hơn 5 tháng tuyến buýt này đưa vào hoạt động. Dù là ngày đầu tuần, nhưng qua khảo sát hơn 30 hành khách trên tàu, hầu như không có người nào đi làm mà chủ yếu đi thưởng ngoạn cho biết buýt sông thế nào.
Cô Vương Thị Thảo (Q.Bình Thạnh) chia sẻ, trước đây đã đến bến Bạch Đằng để đi tuyến buýt sông này một lần nhưng không mua được vé, nay tranh thủ thời gian rảnh nên đi lại một chuyến cho biết. “Tôi cảm nhận phương tiện khá hiện đại, sạch sẽ, ngắm cảnh sông nước thành phố rất thích. Nhưng vì còn ít chuyến nên việc chờ đợi ở các đầu bến khá mất thời gian”, cô Thảo nói.
Ông Trần Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án buýt đường sông cho biết, lượng khách chủ yếu đông vào những ngày cuối tuần, công suất chở đạt 100%, nhưng ngày thường lượng khách chỉ khoảng 50%. Ông Toản cũng thừa nhận, lượng khách đi buýt đường sông chủ yếu là khách đi thưởng ngoạn, khách nước ngoài đi tham quan cảnh sông nước, còn khách đi làm chưa nhiều.
Đánh giá chất lượng buýt đường sông số 1 đã được nâng lên so với ngày mới khai trương, tuy nhiên ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, nếu tập trung vào khai thác lượng khách đi làm thì tuyến buýt này còn một số bất cập. Chẳng hạn theo quy hoạch có 11 trạm dừng đón, trả khách, nhưng hiện nay mới chỉ đưa vào khai thác được 5 trạm nên chưa thuận lợi cho khách. Hơn nữa, giá vé 15.000 đồng/ lượt là tương đối cao.
“Một hành khách đi làm mỗi ngày phải tốn ít nhất 30.000 đồng/2 lượt. Tiền đi xe buýt đến các bến, rồi từ bến đến cơ quan, từ bến về nhà… tổng cộng khoảng 40.000 đồng/ngày. So với giá thành mua xăng để chạy xe máy, hoặc đi buýt đường bộ là cao, vì vậy khách đi làm chưa nhiều”, ông Trường nói.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung thêm các bảng thông tin điện tử ghi chú các điểm đến để hành khách nước ngoài biết, thuận tiện trong việc lên xuống dọc tuyến. Tại các bến tàu lượng lục bình, rác tập trung nhiều, cần vệ sinh sạch sẽ để không gây phản cảm với hành khách khi lên bến.
Kết hợp du lịch nhưng thiếu điểm đến
Trong một lần đi thực tế tuyến buýt đường sông do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, nỗ lực của chủ đầu tư từ việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân viên phục vụ trên tàu, tại các bến rất tận tình là đáng ghi nhận. Bà Hòa cho rằng, nếu khai thác tốt, tiềm năng du lịch từ giao thông thủy của TP HCM không hề thua kém các nước phương Tây. Vấn đề là tổ chức khai thác cho hợp lý, kết hợp giữa giao thông với phát triển du lịch.
Ông Hà Ngọc Trường cũng cho rằng, nói đến giao thông công cộng mà chỉ có một tuyến thì rất khó phát triển. Thành phố cần sớm triển khai thêm các tuyến buýt đường sông khác để có sự kết nối. Đồng thời, cần tính toán kết nối hành khách từ nhà đến trạm, từ trạm đến cơ quan để tạo thuận lợi hơn cho hành khách.
Theo ông Trường, hiện tại trong điều kiện lượng khách đi làm chưa nhiều, cần có phương án kết hợp phát triển du lịch, nhưng cũng có sự đầu tư quảng bá người dân biết đến nhiều hơn để đi. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và Sở Du lịch cần quảng bá các khu du lịch dọc tuyến để hành khách có thêm nhiều lựa chọn trên dọc tuyến đi. Hiện nay các điểm du lịch này còn rất đơn điệu. Ngay cả các địa điểm trên tuyến như tên các nhà ga, tên các cây cầu… cũng cần có bảng tên phía dưới sông để hành khách đi tàu biết được mình đang đi đến đâu.
GS. Nguyễn Đông A cũng nêu lên thực tế là việc mua vé buýt đường sông hiện nay còn khó khăn, nhiều hành khách nhà gần tuyến buýt nhưng khi đến bến không mua được vé. Nếu kết nối với các phương tiện khác như: Buýt đường bộ, metro, đây sẽ là hướng đi tốt để TP.HCM hướng tới thực hiện chủ trương cấm xe cá nhân vào trung tâm.
“Dọc tuyến sông cần chú ý hơn đến công tác vệ sinh hai bên bờ để du khách đi buýt giữa sông có cái nhìn thiện cảm hơn. Chú trọng đến các điểm đến, bố trí các cửa hàng ăn uống nhỏ, hợp vệ sinh để thu hút du khách”, GS. Trần Đông A nói.
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, phát huy lợi thế của hệ thống sông ngòi trên địa bàn, thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với Sở Du lịch thực hiện chương trình "Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh". Bước đầu đã đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy Bạch Đằng - Cần Giờ, Vũng Tàu - Cần Giờ trong tháng 12/2017. Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) cũng kết hợp giữa vận tải công cộng với du lịch. Sở đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đưa vào khai thác tuyến tuyến số 2 Bạch Đằng - Lò Gốm (quận 6) trong năm 2018. Sở GTVT đã đề nghị dùng nguồn vốn ngân sách thành phố thực hiện đầu tư cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Đỉa nhằm nâng cao tĩnh không thông thuyền. Nạo vét các tuyến như Rạch Dơi, Sông Tắc, rạch Ông Nhiêu để khai thông các tuyến đường thủy thúc đẩy du lịch và kết nối với Khu công nghệ cao. "Sắp tới, khi cầu Bình Lợi hoàn thành nâng tĩnh không lên 7m sẽ thông tuyến sông Sài Gòn đến Củ Chi, tiếp tục tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch đường thủy trên tuyến đường sông huyết mạch này", ông Cường nói. |
Báo Giao thông