BV Nhi trung ương: Liên tiếp các bé viêm phổi nặng, cha mẹ hãy dừng ngay việc này
Thói quen của nhiều gia đình để dầu luyn, dầu hoả, xăng, hoá chất tẩy rửa, diệt côn trùng trong các loại chai nước ngọt khiến trẻ em dễ uống nhầm gây ngộ độc, viêm phổi nặng.
Bé 17 tháng tuổi viêm phổi nặng vì uống nhầm dầu hoả
Mới đây nhất, bé Trương B. D 17 tháng tuổi trú tại trú tại thị xa Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được gia đình đưa vào khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu vì bé lấy một chai nước ở trong gầm giường ra uống. Chai nước này chính là chai dầu hoả.
Sau khi bé uống cháu ho sặc sụa, khó thở. Gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh cấp cứu sau đó chuyển bé xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Tuy nhiên, tại đây sau khi chụp Xquang bác sĩ thấy phổi của cháu tổn thương rất nặng do hít phải dầu hoả. Phổi trên phim Xquang trắng xoá, bác sĩ cho cháu thở oxy và chống viêm. Sau đó, cháu được chuyển thẳng ra Bệnh viện Nhi trung ương để cấp cứu tiếp.
Với tổn thương phổi quá nặng, bé D phải chuyển ra Hà Nội cấp cứu.
Bệnh viện Nhi trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận các cháu bị ngộ độc hoá chất do uống nhầm. Các loại hoá chất này đều để trong chai nước ngọt.
Trường hợp đáng thương khác là cháu P.P.T (3 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa vì đã uống một lượng lớn dầu hỏa vào bụng và có dấu hiệu viêm phổi .
Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc tự chơi một mình, không có người lớn giám sát, khi khát nước, cháu đã lấy một chai nước ngọt bên cạnh uống nhưng đây không phải là nước ngọt mà là chai dầu hoả được bố cháu để đó.
Cháu Triệu T.U (13 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng… Theo người nhà, trước khi vào viện 5 ngày, trong khi chơi một mình, bố mẹ không để ý, trẻ đã lấy chai nước ngọt trong đó có chứa dầu luyn để uống. Trẻ bị sặc, ho, tím tái, khó thở.
Người nhà lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại khoa, các bác sĩ lập tức hỗ trợ hô hấp bằng thở máy áp lực cao cho trẻ, dùng kháng sinh phổ rộng… điều trị rất lâu mới hồi phục được cho cháu.
Cách sơ cứu khi trẻ uống nhầm hoá chất
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy – Phó trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc - Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, uống phải dầu hỏa để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây tổn thương phổi, thậm chí là suy hô hấp chỉ vài ngày sau uống. Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu đúng, kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
(Ảnh minh hoạ)
Nhiều trẻ nguy kịch vì tưởng chai dầu là chai nước. Do vậy, các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em, không nên đựng hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống (chai lavie, nước ngọt…).
Do vậy, các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em, không nên đựng hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống (chai lavie, nước ngọt…).
Đặc biệt, các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, nếu trẻ uống nhầm axít, xăng dầu, chất tẩy rửa, khi sơ cứu không được gây nôn cho trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết để hết độc, nhưng đây là quan niệm sai lầm.
Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Viêm phổi do hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut… gây nên các tổn thương ở phổi. Các tổn thương này phụ thuộc vào số lượng chất hít vào , đáp ứng của bệnh nhân đối với chất hít và số lần bệnh nhân bị sặc.
Khi xử trí cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn để hành động chính xác. Sai lầm trong sơ cứu có thể khiến tình trạng người bệnh trầm trọng hơn, để lại di chứng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Chú ý giữ lại vỏ thuốc, hộp chứa các dung dịch uống phải và mang theo khi đi cấp cứu để các bác sĩ có hướng xử lý phù hợp .
Uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa:
Tuyệt đối không được gây nôn. Nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.
Uống nhầm thuốc diệt cỏ:
Đối với trường hợp này lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn. Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở.
Sau đó cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.
Để tránh cho trẻ uống nhầm xăng dầu các bậc phụ huynh lưu ý:
- Xăng dầu phải được chứa trong những bình chứa riêng, có dán nhãn để tránh gây nhầm lẫn đối với người lớn và đặt ở nơi mà trẻ không thấy, không lấy được.
- Không đựng xăng dầu vào các chai nhựa, vật dụng vốn đựng nước uống.
- Không để trong khu vực trẻ em thường vui chơi, qua lại.
- Không để trẻ nhỏ tự chơi một mình.
- Người lớn khi trông giữ trẻ, không làm việc khác mà phải thường xuyên giám sát để tránh cho trẻ những tai nạn tại nhà.
Trí thức trẻ