BVSC: Phân phối sản phẩm Apple và hợp tác độc quyền với Xiaomi giữa triển vọng chuyển dịch sang 5G là động lực cho Digiworld giai đoạn 2020-2021
Với vị thế là một nhà bán buôn của DGW, BVSC cho rằng việc bổ sung (1) Thương hiệu mới và (2) Sản phẩm mới vào danh mục sản phẩm hiện tại là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững. Việc bổ sung Apple ở một phân khúc cao cấp hơn sẽ giúp DGW trành được việc tạo ra cạnh tranh thị phần của các sản phẩm cùng phân khúc.
Ghi nhận tại báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hoạt động phân phối các sản phẩm Apple sẽ bổ sung vào động lực tăng trưởng của CTCP Thế giới Số (Digiworld, DGW) nửa cuối 2020 và 2021.
Chi tiết, việc ký mới hợp đồng phân phối các sản phẩm Apple củng cố triển vọng tăng trưởng trên các phân khúc CNTT chính. Tháng 5/2020, DGW đã trở thành một trong 4 nhà phân phối chính thức các sản phẩm Apple ở Việt Nam; các nhà phân phối còn lại là Synnex FPT, Petrosetco và Viettel. Danh mục sản phẩm chính gồm iPhone, MacBook, iPad, Apple Watch, Beats, Apple TV và các phụ kiện khác. DGW cho biết, khách hàng mục tiêu của họ là các nhà bán lẻ trên toàn quốc, trừ Thế giới Di động và FPT Retail.
Với vị thế là một nhà bán buôn của DGW, BVSC cho rằng việc bổ sung (1) Thương hiệu mới và (2) Sản phẩm mới vào danh mục sản phẩm hiện tại là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững. Việc bổ sung Apple ở một phân khúc cao cấp hơn sẽ giúp DGW trành được việc tạo ra cạnh tranh thị phần của các sản phẩm cùng phân khúc.
Mặt khác, một chu kỳ thay thế mới diễn ra khi phát sóng 5G vào cuối năm 2020 và tắt sóng 2G vào năm 2022 sẽ củng cố triển vọng tiêu thụ điện thoại ở Việt Nam. Các nhà mạng lớn ở Việt Nam gồm Viettel, MobiFone, và Vinaphone, đều đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm 5G.
Theo BVSC tìm hiểu, dưới sự thúc đẩy của Chính phủ, lẽ ra việc phát sóng 5G đã được chính thức triển khai nếu dịch bệnh Covid-19 không xuất hiện. Việt Nam đang kỳ vọng sẽ chính thức ra mắt mạng 5G vào cuối năm 2020. BVSC kỳ vọng việc triển khai 5G ở Việt Nam sẽ tạo ra một chu kỳ thay thế mới ĐTDĐ ở Việt Nam trong 2021.
Với việc độ nhận diện của Xiaomi tại thị trường Việt Nam ngày càng tăng, bên cạnh đó việc thành công cho ra mắt các sản phẩm 5G của Xiaomi ở Trung Quốc nhờ chiến lược giá cạnh tranh, kỳ vọng Xiaomi sẽ gia tăng thị phần ở phân khúc giá rẻ trong năm 2021. BVSC cũng mong đợi một chu kỳ thay thế ĐTDĐ mới ở Việt Nam, đặc biệt là trong năm 2022 khi Chính phủ có kế hoạch tắt sóng 2G vào đầu năm 2022.
Được biết, DGW vừa công bố KQKD quý 2/2020 khả quan, với doanh thu thuần tăng trưởng mạnh 29% đạt 2.583,5 tỷ đồng. Đồng thời LNST sau CĐTS cũng tăng vọt 44%, đạt mức 48,2 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần của DGW đạt 4.894,2 tỷ đồng (+45,1% yoy) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 93,1 tỷ đồng (+59,2% yoy).
Cho đến hiện tại, các mảng kinh doanh trọng yếu của DGW (laptop, máy tính bảng, ĐTDĐ) không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, Laptop và máy tính bảng (38,2% doanh thu thuần nửa đầu năm) được hưởng lợi từ việc nhu cầu làm việc và học tập online gia tăng trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Dù 6 tháng đầu năm là mùa thấp điểm, mảng laptop vẫn ghi nhận KQKD tích cực với doanh thu thuần tăng lên mức 1.871 tỷ đồng (+66,9% yoy).
Về Điện thoại di động (46,8% doanh thu thuần 1H20), thị phần của Xiaomi vẫn tiếp tục ổn định so với cuối năm 2019 ở mức khoảng 9-10% toàn thị trường. Mức này, tăng so với với mức 4,0%/ 5,5%/ 6,6% lần lượt trong tháng 4/5/6 năm 2019. Doanh thu mảng ĐTDĐ 1H20 tăng mạnh 47,5% yoy, đạt mức 2.288 tỷ đồng, do Xiaomi tiếp tục vượt trội so với thị trường chung.
Trí Thức Trẻ