MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BVSC: Techcombank có nhiều lợi thế để chống chịu đại dịch, nhưng cần lưu ý rủi ro tập trung cho vay bất động sản

26-05-2020 - 14:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Techcombank được đánh giá có khả năng linh hoạt trong tăng trưởng tín dụng khi là nhà tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất trong nước. Đây là một trong những lợi thế của Techcombank để chống chịu trước tác động của đại dịch Covid-19.

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, Techcombank nằm trong top đầu về khả năng chống chịu đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Covid-19 đã bắt đầu tác động lên hệ thống ngân hàng trong quý 1 khi nhiều ngân hàng có nợ nhóm 2 bắt đầu tăng mạnh cũng như nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng. Tác động của của Covid-19 sẽ rõ ràng hơn trong quý 2 khi chính phủ thực hiện cách ly xã hội trong tháng 4. BVSC cho rằng Techcombank là ngân hàng nằm trong top đầu trong hệ thống về khả năng chống chịu lại những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 nhờ những lợi thế như NIM thuộc nhóm cao nhất hệ thống, chất lượng tài sản ở nhóm khách hàng cá nhân ở nhóm đầu hệ thống,...

Theo nhóm phân tích của BVSC, nếu loại trừ hai ngân hàng cho vay tiêu dùng nhiều là VPBank và HDBank thì Techcombank là ngân hàng có NIM cao nhất với NIM Quý 1/2020 là 4,55%. NIM của Techcombank cao là nhờ chi phí vốn thấp với CASA cao thứ 2 trong hệ thống và lợi suất trên tài sản sinh lãi tương đối cao. NIM của Techcombank khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 lên mức 4,39% nhờ các khoản giải ngân cho vay mua nhà trong năm 2019 sẽ tiến đến giai đoạn hết thời gian hỗ trợ lãi suất.

Khoản vay của nhóm khách hàng cá nhân chiếm 45,6% tổng khoản vay của Techcombank. Năm 2019, dư nợ cho vay nhà ở chiếm 81% trên tổng dư nợ khách hàng cá nhân (105.247 tỷ), trong đó dư nợ từ nhóm khách hàng có thu nhập cao (khách hàng có thu nhập bình quân hàng năm từ 50.000 USD trở lên) chiếm tới 73% và dư nợ từ nhóm khách hàng thu nhập khá (khách hàng có thu nhập bình quân hàng năm từ 10.000 đến 20.000 USD) là 11%. Dư nợ vay cá nhân tập trung ở nhóm khách hàng thu nhập cao và được phân bổ ở nhiều ngành nghề khác nhau do đó BVSC cho rằng chất lượng tài sản ở nhóm khách hàng cá nhân của Techcombank là tài sản có chất lượng cao và nằm ở top đầu khi so sánh các ngân hàng khác ở Việt Nam.

Bên cạnh 2 lợi thế trên, Techcombank cũng đã thận trọng hơn qua từng năm khi thực hiện trích lập nợ xấu với tỷ lệ dự phòng khoản vay liên tục tăng lên kể từ 2013. Đến Quý 1/2020, mặc dù yếu tố dịch bệnh Covid-19 chưa có tác động rõ nét lên chất lượng tài sản của TCB nhưng ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng. BVSC đánh giá đây là hành động quyết liệt để tăng chất lượng tài sản cũng như tăng dự phòng để ổn định lợi nhuận trong tương lai khi tình hình kinh tế diễn biến xấu hơn. Với mức tăng trích lập dự phòng trong Quý 1/2020 thì tỷ lệ LLCR (bao phủ nợ xấu) của Techcombank đã lên tới 118% và đứng thứ 3 trên toàn hệ thống.

Techcombank cũng được đánh giá có khả năng linh hoạt trong tăng trưởng tín dụng khi là nhà tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất trong nước và cũng là tổ chức có thị phần giao dịch trái phiếu lớn nhất và chiếm tới 82% trên HOSE. Vì vậy, Techcombank có thể linh hoạt hơn trong việc điều tiết tăng trưởng tín dụng. Khi thị trường cho vay không thuận lợi thì Techcombank có thể gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng linh hoạt đã giúp cho Techcombank có mức tăng trưởng tín dụng lên tới 3,7% trong Quý 1/2020, là mức cao hơn hẳn so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 1,3%.

Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý thêm về rủi ro tập trung khi giá trị cho vay ngành bất động sản lên tới 50,4 nghìn tỷ đồng tương ứng với 21,8% trên tổng dư nợ. BVSC cho rằng đây là tỷ lệ phân bổ cao cho một ngành có độ rủi ro tương đối cao. Dù vậy, nhóm phân tích cho biết, TCB đang nỗ lực đa dạng hóa hơn khi đẩy mạnh thâm nhập vào các lĩnh vực khác như ô tô, dịch vụ tài chính, viễn thông, FMCG… và nỗ lực này có thể giúp cho TCB giảm mức độ tập trung vào ngành bất động sản trong tương lai.

Tăng trưởng 2020 chậm lại do Covid-19 Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và chuyển mình qua trạng thái bình thường mới tuy nhiên hệ lụy mà Covid-19 sẽ còn tiếp tục tác động lên triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó BVSC cho rằng ngành ngân hàng nói chung cũng như Techcombank nói riêng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020. Cho năm 2020, BVSC dự báo lợi nhuận của TCB sẽ đạt khoảng 11.021 tỷ đồng tăng 9,4% so với năm ngoái).

Ngọc Bích

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên