BVSC: Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 30% nhưng EU và Nhật Bản mới là những nước hưởng lợi nhất kể từ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn ra
Dù tăng trưởng cao 30% nhưng thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ mới chỉ tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lại lần lượt tăng từ mức 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.
- 14-06-2019Trung Quốc tăng thuế với ống thép của Mỹ lên 3 con số
- 05-06-2019Mỹ đánh thuế cao với linh kiện ô tô Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của Việt Nam?
- 04-06-2019Xuất khẩu thủy sản: Sẽ gặp khó ở Trung Quốc, thuận lợi ở Mỹ
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, xung đột thương mại Mỹ-Trung kể từ khi khởi phát vào tháng 06/2018 đến nay đã và đang có những tác động nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 17,8 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 11,5% năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong cùng khung thời gian trên giảm tới 13%. BVSC nhận định, như vậy, ở cả hai khung tham chiếu (so với chính Việt Nam một năm trước và so với Trung Quốc) có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang đạt được những kết quả rất tích cực.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng tốt bất chấp kinh tế Mỹ dần cho thấy những dấu hiệu của đà tăng trưởng chậm lại. Với tỷ trọng thị trường Mỹ là 22,6%, chỉ riêng việc xuất khẩu vào Mỹ tăng 29% đã giúp tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,7%. Mức đóng góp này gần như là toàn bộ mức tăng của xuất khẩu trong 4 tháng qua. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam và nếu không có thị trường này thì xuất khẩu của Việt Nam đã không thể tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng cao 30% nhưng thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ mới chỉ tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ – Trung chính thức diễn ra. Cùng thời gian trên, thị phần của các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia nhìn chung không thay đổi hoặc cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam và các nước ASEAN.
Ở chiều ngược lại, thị phần hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ giảm đã giảm từ mức 16% xuống còn 12% trong 1 năm qua. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của EU và Nhật Bản vào Mỹ lại lần lượt tăng từ mức 10,5% lên 12,5% và 4,5% lên 5,5%.
Thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Trung Quốc, EU, Nhật Bản.
Theo BVSC, những số liệu trên cho thấy việc Mỹ áp thuế rõ ràng đã gây bất lợi đối với xuất khẩu của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, những nước được hưởng lợi nhất lại là các đối tác đồng minh của Mỹ như EU và Nhật Bản. Các nước mới nổi ở ASEAN, trong đó có Việt Nam cũng được hưởng lợi nhưng chưa nhiều.
BVSC cho rằng diễn biến trên xuất phát từ 2 nguyên nhân. Đầu tiên là gói hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc bị đánh thuế cho đến nay phần lớn là máy móc thiết bị (chiếm 29%) và hàng hóa trung gian (chiếm 47%). Khi những mặt hàng này của Trung Quốc đắt đỏ hơn do thuế, Mỹ đều có thể dễ dàng thay thế nguồn nhập khẩu trong một khoảng thời gian ngắn từ các đối tác thương mại khác. Đó chính là lý do EU, Nhật Bản... tăng được thị phần xuất khẩu vào Mỹ trong 1 năm qua.
Bên cạnh đó, các hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc mang tính chất tiêu dùng như điện thoại di động, đồ điện tử, dệt may, đồ chơi, dụng cụ thể thao... cho đến nay vẫn gần như chưa bị Mỹ áp thuế (tham khảo Bảng 1 phía dưới). Do đó, nhu cầu thay thế nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp Mỹ đối với những mặt hàng này sang các nước khác có trình độ sản xuất và giá cả tương đồng với Trung Quốc (như các nước ASEAN) chưa thật sự lớn. Thêm vào đó, việc dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất cần thêm thời gian để các doanh nghiệp hoàn tất việc đầu tư, xây dựng nhà xưởng và tuyển dụng nhân công.
Tuy nhiên, BVSC nhận định câu chuyện này sẽ hoàn toàn thay đổi nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức cao nhất với việc Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc. Khi đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc sẽ rõ rệt hơn rất nhiều.