MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá chết, tôm dịch bệnh: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 4,6%

08-07-2016 - 21:15 PM | Thị trường

Theo Tổng cục Thủy sản, dù gặp bất lợi trong khâu nuôi trồng thủy-hải sản như cá chết do ô nhiễm môi trường, tôm bị dịch bệnh, song 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng 4,6%.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng ước đạt trên 3,1 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,5 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng đạt gần 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu (tính đến 15.6) đạt 2,8 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016 nuôi trồng cá tra chưa có dấu hiệu phục hồi. Người nuôi thả cá tra phải đối đầu với hàng loạt khó khăn như: Thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cá không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra… khiến người nuôi trồng phải “đóng ao” để giảm thua lỗ, khiến diện tích nuôi cá tra giảm tới 5,5%, hiện chỉ còn 3,2 nghìn hécta. Trong đó, một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá tra có sản lượng giảm như: Vĩnh Long: 38,000 tấn, giảm 4%, Bến Tre: 82,575 tấn, giảm 12%, An Giang: 121,437 tấn, giảm 7%, Đồng Tháp: 184,004 tấn, giảm 1%.

Với xu hướng này, trong ngắn hạn, thị trường cá tra nguyên liệu sẽ chưa có dấu hiệu khởi sắc từ các đơn hàng ký mới xuất khẩu đi các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU…

Không riêng cá tra, sản xuất tôm cũng gặp bất lợi do tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm diễn biến khá phức tạp: Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, môi trường ao nuôi bị biến động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm nuôi, gây ra nhiều loại bệnh. Sản lượng thu hoạch tôm nước lợ của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu tăng. Nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất.

Mặc dù từ tháng 4 đến nay, giá tôm nguyên liệu tăng cao đã khuyến khích người dân nuôi thả bù những diện tích nuôi tôm đã bị thiệt hại, khiến diện tích nuôi tôm có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tôm sú: Diện tích ước đạt 540.451ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ thân trắng: Diện tích ước đạt 31.480ha. Tuy nhiên, đây là loại tôm dễ bị bệnh tật nhất, nên diện tích nuôi thả giảm 10% so với cùng kỳ, sản lượng khai thác chỉ đạt 59.054 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu vẫn rất yếu do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc nuôi thả của nông dân.

Giá trị xuất khẩu tăng

Theo Bộ NNPTNT, mặc dù việc nuôi trồng và sản xuất thủy sản gặp khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 vẫn đạt 3,07 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016, chiếm gần 53% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (10,9%), Trung Quốc (49,06%), Thái Lan (9,92%) và Anh (8,83%).

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, ngành thủy sản đã gặp phải những khó khăn chưa từng có trong 6 tháng đầu năm nay. Vì vậy, để có thể đưa ra được những giải pháp thiết thực và chính xác cho 6 tháng cuối năm, các lĩnh vực của ngành cần phải đưa ra những dự báo, tìm ra những khó khăn, những vấn đề cần phải được hoạch định và đặt ra. Từ đó mới có được những giải pháp hữu hiệu và cần sự nỗ lực cao nhất của toàn ngành để phát triển. Tập trung chỉ đạo phát triển tôm nước lợ, có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng về chất lượng và giá trị.

Theo đó, để phát triển tôm nuôi nước lợ, Tổng cục Thủy sản sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm, cần nghiên cứu kỹ việc tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ bao nhiêu và tăng ở chỗ nào, phương thức nuôi phù hợp, địa phương nào đẩy mạnh nuôi trồng... Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y lập các tổ công tác giám sát tình hình thực hiện ở địa phương để có những chỉ đạo sát sao trong sản xuất. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ về giống, rà soát lại những đơn vị, các cơ sở sản xuất giống nhập khẩu và công khai trên trang điện tử của tổng cục và tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra chặt chất lượng các loại vật tư đầu vào, việc lạm dụng kháng sinh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Không chỉ kiểm tra, giám sát ở phần ngọn là các lô hàng xuất khẩu, mà phải toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi đến chế biến.

Theo Phong Nguyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên