Cá chết trắng trên sông Cầu: Dân mất tiền tỷ
Mấy ngày qua, cá chết bất thường, nổi trắng trên một đoạn sông Cầu khiến nhiều người nuôi cá lồng trên sông này thiệt hại hàng tỷ đồng.
- 07-11-2019Cá chết nổi trắng hồ điều hòa giữa trung tâm TP Đông Hà
- 19-10-2019Xuất hiện nhiều cá chết ngoài khu thí điểm thả cá Koi ở Hồ Tây, sông Tô Lịch
- 21-09-2019Cá Koi Nhật tung tăng bơi ở hồ Tây, trái ngược cá chết bên ngoài
Ba ngày nay, bà Khổng Thị Thắm, một hộ nuôi cá lồng trên sông Cầu thuộc xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) như ngồi trên đống lửa vì cá đột nhiên chết hàng loạt. Bà Thắm cho biết, khoảng 3 ngày trước, khi bà ra thăm lồng cá thì phát hiện cá của gia đình bắt đầu chết. Sau đó, cá trong lồng chết ngày càng nhiều, nổi trắng sông. “Cả nhà phải vớt cá chết bỏ đi. Cá chất hàng tấn. Ba trăm triệu đồng tiền vốn đổ vào đây bị mất trắng, phần lớn tiền đi vay mượn”, bà Thắm than thở.
Cách đó không xa, bà Đặng Thị Kính cũng đứng ngồi không yên trước hiện tượng cá nuôi chết bất thường. Cá chết nhiều đến nỗi bà chẳng buồn vớt những con cá nổi trắng trên mặt nước. “Các lồng nuôi cá nhà tôi chuẩn bị đến ngày bán thì chết gần hết. Tính ra, nhà tôi chết khoảng 2 tấn cá, thiệt hại gần 100 triệu đồng” bà Thắm mếu máo.
Bà Thắm cho biết thêm, toàn bộ các hộ nuôi cá lồng trên sông Cầu trong thôn bà đều có hiện tượng cá chết hàng loạt trong mấy ngày qua. Riêng khu vực gần nhà bà có 9 gia đình nuôi hàng chục lồng cá đều có tình trạng trên. Trung bình, mỗi hộ nuôi chết khoảng 2 tấn, hộ nhiều chết đến hơn chục tấn, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ thôn của bà Thắm, hàng chục gia đình nuôi cá khác trong xã cũng trong tình cảnh khốn đốn vì cá chết.
Theo một số hộ nuôi cá trên sông Cầu ở xã Dũng Liệt, nhiều ngày trước, nước sông Cầu chảy qua địa phận xã này bắt đầu chuyển màu đen và đỏ, có mùi khó chịu. Sau đó, cá nuôi trong lồng bắt đầu bị chết, rồi cá đồng loạt chết khiến người nuôi vớt đổ đi không kịp. Các lồng nuôi cá ở đây cách cống tiêu Đặng Xá khoảng 7 - 8 km, nơi thải nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê (do tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý của các sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy tái chế giấy ở phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh và xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) ra sông Cầu.
Tương tự, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông Cầu thuộc xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cũng bị chết bất thường, hàng loạt. Ông Hoàng Bá Tính, Trưởng thôn Phù Tài (xã Tiên Sơn) cho biết, mấy ngày gần đây, nhiều gia đình nuôi cá lồng trong thôn có phản ánh về tình trạng trên. “Số lượng cá chết lên đến hàng tấn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Người nuôi cá rất xót xa vì cá sắp được bán”, ông Tính nói.
Ông Đặng Hoài Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Dũng Liệt xác nhận có hiện tượng cá nuôi ở các lồng trên sông Cầu của xã bị chết bất thường. Hiện tượng này xảy ra khoảng 2-3 ngày nay. Toàn xã Dũng Liệt có hơn 40 hộ nuôi cá lồng trên sông bị ảnh hưởng vì cá chết. “Nguyên nhân ban đầu khiến cá chết như trên được cho là do nguồn nước thiếu ôxy và một phần nước sông Cầu có dấu hiệu bị ô nhiễm”, ông Tiến cho biết.
Tiền phong