‘Cá mập’ tỉnh lẻ nuốt chửng ‘đất vàng’ Thủ đô
Một số doanh nghiệp tỉnh lẻ như Hoành Sơn, Thaigroup, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hoá… bất ngờ đánh bật những đối thủ sừng sỏ để thâu tóm những lô đất vàng giữa Thủ đô.
Không hề có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, và cũng chưa có dấu ấn kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, nhưng những ông chủ đến từ những tỉnh lẻ đã phô trương sức mạnh thông qua những thương vụ thâu tóm dự án không kém phần gay cấn.
Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng mới đây đã thông qua nghị quyết cho phép liên doanh với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn để phát triển khu đất rộng hơn 6ha tại 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội thành tổ hợp bất động sản.
Khu đất này vốn là nhà máy sản xuất săm lốp nhưng được di dời xuống tỉnh Hà Nam theo kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất ô nhiễm trong nội thành Hà Nội. Các nhà máy bên cạnh là Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long cũng đang được di dời và cũng sẽ chuyển thành khu đô thị.
Điều ngạc nhiên là, nếu như hai khu đất bên cạnh sẽ được phát triển bởi một đại gia có tên tuổi trong ngành bất động sản là Vingroup thì mảnh đất của nhà máy Cao su Sao Vàng lại rơi vào tay Tập đoàn Hoành Sơn. Chính một số cổ đông của Cao su Sao Vàng cũng đề nghị phủ quyết kế hoạch hợp tác này bởi họ nghi ngờ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm của Hoành Sơn.
Xét về kinh nghiệm thì đúng là Hoành Sơn là ‘lính mới’ trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này có trụ sở tại Hà Tĩnh và do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch. Gia đình ông Sơn khởi nghiệp từ xay xát gạo, rồi phất lên từ buôn bán phân bón, sắt thép.
Trong giai đoạn 2010-2015, Hoành Sơn đã khởi công dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng. Thực chất, dự án này chủ yếu cung cấp nước cho dự án nhà máy thép có tổng vốn hơn 22 tỷ USD của tập đoàn Formosa. Theo báo Hà Tĩnh, Formosa đã ứng trước cho Hoành Sơn tới 50 triệu USD để thực hiện dự án này.
Ngoài ra, Hoành Sơn cũng đang đầu tư cảnh quốc tế Vũng Áng, nhà máy sản xuất phân lân và NPK, nhà máy chế biến kali… nhưng lại chưa có phát triển dự án nhà ở hoặc văn phòng nào.
Nhưng trong số các nhà đầu tư muốn thâu tóm khu đất 231 Nguyễn Trãi, Hoành Sơn lại tỏ ra chịu chơi nhất khi trả tới 435 tỷ đồng mà thực chất đây là tiền hỗ trợ di dời nhà máy.
Đồng thời, Hoành Sơn sẽ cùng Cao su Sao Vàng thành lập Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó, Hoành Sơn chiếm 74%, để phát triển khu đất thành tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.
Sức mạnh tài chính của Hoành Sơn đã đánh bật những đối thủ khác như Công ty cổ phần bất động sản Việt Hưng, Tập đoàn Hoàng Huy và Tập đoàn Đất Xanh để trở thành đối tác của Cao su Sao Vàng và cùng sở hữu khu đất vàng trên trục đường dẫn vào trung tâm thành phố.
Mặt tiền nhà máy Cao su Sao Vàng
Nhưng Hoành Sơn không phải là doanh nghiệp tỉnh lẻ duy nhất bạo chi để sở hữu đất vàng ở Thủ đô.
Một doanh nghiệp đến từ Bắc Trung Bộ là Tổng công ty Xây dựng Thanh Hoá thậm chí còn nhanh chân hơn khi thâu tóm tới 2 dự án ở Hà Nội. Đó là dự án tổ hợp Skypark Residences rộng 9.262m2 trên đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy.
Dự án trước đây thuộc sở hữu của Licogi 16, với mục tiêu xây dựng toà nhà văn phòng 25 tầng, toà căn hộ 35 tầng với 220 căn hộ. Tổng mức đầu tư dự án là 1.200 tỷ đồng. Giá trị thương vụ chuyển nhượng này khoảng 143 tỷ đồng.
Tổng Công ty xây dựng Thanh Hoá trước đây chỉ là một công ty kiến trúc và xây dựng thuộc sở hữu nhà nước và được chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2006 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng do ông Trương Lâm làm Chủ tịch. Công ty đã xây dựng và đầu tư một số dự án tại Thanh Hoá như khu công nghiệp Hoàng Long nhưng lại chưa hề ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản.
Ngạc nhiên hơn, ngoài thương vụ thâu tóm Skypark Residences, Tổng công ty Xây dựng Thanh Hoá còn mua lại dự án khách sạn Mercure Hà Đô trên phố Cát Linh. Khách sạn này được thiết kế với 250 phòng. Sau khi thâu tóm, Tổng công ty xây dựng Thanh Hoá đã tiến hành triển khai xây dựng ngay lập tức và đến thời điểm hiện tại đang thi công phần thân.
Một đại gia tỉnh lẻ chịu chơi không kém là ông Nguyễn Đức Thuỵ - Chủ tịch Tập đoàn Thaigroup có trụ sở tại Ninh Bình.
Công ty của ‘bầu Thuỵ” nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư các nhà máy xi măng nhưng chưa có tiếng tăm gì trong lĩnh vực bất động sản nhưng bất ngờ đánh bại 18 tổ chức và 17 cá nhân trong cuộc đấu giá cuối năm ngoái để giành quyền sở hữu Khách sạn Kim Liêm.
Thaigroup đã trả tới gần 1.000 tỷ đồng để sở hữu 52,43% cổ phần của Công ty cổ phần du lịch Kim Liên, từ đó chính thức sở hữu khách sạn 460 phòng toạ lạc trên diện tích 3,5ha trên đường Đào Duy Anh, quận Đống Đa. Tính ra, bầu Thuỵ đã trả bình quân 274.200 đồng/cổ phần, gấp 9 lần mức giá khởi điểm.
Tập đoàn Xuân Thành của bầu Thuỵ trước đây cũng tham gia xây dựng khu tái định cư hạ tầng khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương để phục vụ dự án nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh.