Cả nhà ngộ độc vì tinh dầu diệt muỗi: Lời cảnh báo từ chuyên gia
Sau khi sử dụng tinh dầu diệt muỗi đốt ở phòng ngủ, cả 4 thành viên trong gia đình đều ngộ độc phải vào viện cấp cứu.
- 12-01-2021Uống nhầm tinh dầu quế, một người đàn ông bị ngộ độc nặng
- 11-01-2021Đánh bay chứng bàn chân lạnh: Làm ngay một loạt các phương pháp từ massage bằng tinh dầu, uống trà gừng đến các bài tập
- 09-11-2020Tiết lộ loại tinh dầu quý, chỉ cần vài giọt vào cốc nước chanh, một tuần mới tràn đầy năng lượng của bạn đã sẵn sàng!
Cả nhà nhập viện vì tinh dầu diệt muỗi
Theo TS Hoàng Công Tình - trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - bệnh viện đang cấp cứu cho cả gia đình 4 thành viên bị ngộ độc sau khi sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi đặt trong phòng ngủ.
Hiện tại, sau 3 ngày điều trị, hai cháu nhỏ 3 tuổi và 8 tuổi đã ổn định sức khoẻ, đang được gia đình theo dõi và chăm sóc ở nhà.
Riêng hai vợ chồng vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện. Người chồng có triệu chứng nặng hơn do có số ngày tiếp xúc với máy xông tinh dầu nhiều hơn.
Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân.
Gia đình chia sẻ rằng khoảng 10 ngày trước, họ mua 1 bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi, đặt ở tầng 1 ngôi nhà, nơi người chồng thường xuyên bán hàng. Loại tinh dầu này có nhãn hiệu nước ngoài, không có chữ tiếng Việt.
Lọ tinh dầu gia đình đã dùng.
Cách đây 3 ngày, gia đình mang máy xông tinh dầu lên phòng ngủ ở tầng 2. Sáng hôm sau ngủ dậy, tất cả 4 thành viên trong gia đình đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Người chồng có triệu chứng nặng hơn so với các thành viên còn lại.
TS Tình cho biết hiện nay có rất nhiều loại tinh dầu được giới thiệu là có khả năng đuổi muỗi. Tuy nhiên, mọi người nên thận trọng khi sử dụng trong gia đình, đặc biệt là các loại tinh dầu không rõ nguồn gốc. Bác sĩ khuyến cáo cần tìm hiểu rõ thành phần của tinh dầu và hướng dẫn sử dụng.
Theo TS Tình, tốt nhất không nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thường xuyên và tuyệt đối không đặt thiết bị này trong phòng đóng kín cửa.
Nguy cơ ngộ độc cao
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội -cho biết hiện nay chưa xác định được loại tinh dầu gia đình trên sử dụng nên không rõ có hóa chất gì bên trong.
Tuy nhiên, PGS Côn cho rằng bất cứ tinh dầu, hương diệt muỗi, xịt muỗi nào có thể gây chết muỗi thì cũng độc với con người. Về bản chất, hóa chất nào cũng có chất độc.
Bệnh nhân đang điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Tùy vào nồng độ và phụ thuộc vào phản ứng của mỗi người, mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này. Ngay cả người lớn, nếu tiếp xúc với một lượng thuốc diệt muỗi đáng kể trong thời gian ngắn, khả năng ngộ độc cấp tính cũng có thể xảy ra.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc xịt muỗi sẽ làm gia tăng các bệnh lý hô hấp, hen suyễn. Người bệnh có thể có các triệu chứng như đau đầu, nôn ói, khó thở, ngứa ngáy, mẩn đỏ, mề đay khi tiếp xúc với các hóa chất diệt muỗi.
Cách trị muỗi tốt nhất là nên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ngủ gọn gàng ngăn nắp; vận động khu dân cư quanh khu vực sống phải có ý thức dọn vệ sinh thường xuyên; buổi tối hoặc khi trời chập choạng, đóng cửa chính và cửa sổ để ngăn muỗi; đồng thời bật đèn, điều hòa hay quạt máy để đuổi muỗi, giăng mùng khi ngủ để phòng muỗi, phát quang bụi rậm, đậy kín lu vại chứa nước, lấp bỏ những ao tù động nước…
Có thể trồng những loại cây có tác dụng đuổi muỗi quanh nhà hoặc trong nhà như: bông cúc vạn thọ, cây sả, cây hương thảo, tỏi, cây cúc ngải, cây hoa oải hương, húng lủi, húng quế, cây chanh...
Doanh nghiệp và tiếp thị