Cà phê có thành thức uống xa xỉ?
Giá cà phê tăng cao trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp lo ngại về việc cà phê có thể thành hàng xa xỉ, người tiêu dùng phải cân nhắc khi sử dụng
- 16-10-2024Những kỷ lục chưa từng có của vụ cà phê vừa qua
- 15-10-2024Cà phê Robusta, Arabica đồng loạt tăng giá sốc
- 15-10-2024Chuỗi cà phê nổi tiếng nhưng nhiều tranh cãi tại TPHCM tiếp tục mở thêm chi nhánh mới, chất lượng có đáng kỳ vọng?
Nhưng điều này có phải là mối lo thật sự hay chỉ là một thông tin để gây chú ý khi cà phê vẫn đang là thức uống phổ biến khi có đến 3 tỉ ly cà phê được tiêu thụ mỗi ngày trên thế giới.
Nguy cơ rất gần
Chia sẻ với báo chí tại một sự kiện vào đầu tháng 10 mới đây, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp (DN) tốp 4 về xuất khẩu cà phê, nói rằng cà phê đang sắp trở thành hàng xa xỉ và với giá cà phê rất cao như hiện nay thì nhu cầu có thể giảm 20%-30% vì người tiêu dùng phải cân nhắc khi sử dụng. "Nếu cà phê Robusta giữ giá 5.000 USD/tấn trong một năm thì ly cà phê có thể xếp vào món xa xỉ. Ở Mỹ, cà phê có thể lên đến 20 USD/ly còn ở Việt Nam có thể 5 USD/ly, tức hơn 100.000 đồng/ly. Tất nhiên tôi nói ở đây là cà phê sạch, cà phê thật" - ông Thông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Quyền, sáng lập thương hiệu cà phê TheorganiKcoffee, vừa có chuyến công tác tại Mỹ. Ông kể giá cà phê bình dân ở New York đã tăng lên mức 5-6 USD/ly (chưa kể tiền tip gần như bắt buộc) và vẫn còn tiếp tục đi lên. "Không ít người Mỹ và châu Âu phải giảm uống cà phê vì giá cao, một số chuyển sang mua cà phê tự pha tại nhà để tiết kiệm mà vẫn bảo đảm ngon, sạch" - ông Quyền chia sẻ.
Còn tại Việt Nam, theo ông Quyền, giá một ly cà phê ở quán lớn hiện nay phải từ 100.000 đồng mới tương xứng với các chi phí từ nguyên liệu đến vận hành.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More), cũng nói rằng cà phê hiện nay đang tiệm cận với hàng xa xỉ. "Thực tế, Starbucks đã đưa cà phê trở thành thức uống xa xỉ, nhiều người nói rằng họ bán thương hiệu nhưng bên trong đó, chất lượng sản phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu" - ông Luận dẫn chứng.
Ông Luận nói thêm cà phê nguyên liệu tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê rang xay nguyên chất, ít ảnh hưởng đến cà phê hòa tan, cà phê đóng lon vì tỉ lệ cà phê ở mặt hàng này là dưới 15%. "Thế nhưng, mới đây, tôi được mời góp ý về dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó dự kiến sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường, trong đó có cả mặt hàng cà phê" - ông Luận lo lắng.
Cũng theo tổng giám đốc Meet More, nếu việc đánh thuế tiêu thụ được áp dụng với cà phê có đường sẽ khiến các sản phẩm tăng giá và việc bán hàng sẽ khó khăn hơn. Khi đó, các DN không còn mặn mà với việc đầu tư chế biến sâu vì khó mở rộng thị trường và đi ngược với chủ trương khuyến khích DN chế biến sâu để nâng tầm nông sản.
Sự xa xỉ đến từ yếu tố khác
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nơi được mệnh danh là "thủ phủ" cà phê Việt Nam, nói ông rất không đồng tình với việc nói cà phê là hàng xa xỉ, ngay cả với giá 5.000 USD/tấn. "Tôi theo dõi các báo cáo cho thấy mỗi ngày trên thế giới có từ 2,5-3 tỉ ly cà phê được tiêu thụ. Đây là mặt hàng phổ thông, không thể là hàng xa xỉ, ngay cả khi giá tăng gấp đôi so với hiện nay thì người có thu nhập trung bình vẫn có thể sử dụng hằng ngày" - ông Minh khẳng định.
Theo ông Minh, có thể các doanh nhân phát biểu để gây sự chú ý chứ không phải là vấn đề thật của ngành. Bởi lẽ, sản lượng cà phê có giảm nhưng vẫn rất nhiều, cần mua là có. "Sản lượng giảm, giá cao không phải là mãi mãi. Tất nhiên, trên thị trường cũng có một số phân khúc tạm gọi là cà phê xa xỉ như cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản nhưng phân khúc rất hẹp, không đại diện cho cả ngành" - ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện Cà phê Việt Nam VCA (Gia Lai), nói rằng giá một ly cà phê người tiêu dùng mua ở quán có rất nhiều chi phí. Trong đó, chi phí nguyên liệu cà phê chiếm tỉ lệ ít nên không thể nói giá nguyên liệu tăng thì cà phê trở thành thức uống xa xỉ được.
"Công thức pha cà phê phổ biến hiện nay là từ 10-20 g/ly, tức nếu cà phê rang xay giá 400.000 đồng/kg thì chi phí cho mỗi ly cà phê chỉ từ 4.000 - 8.000 đồng. Với cà phê hữu cơ rang xay giá khoảng 1 triệu đồng/kg, tính ra 1 ly cà phê cũng chỉ 10.000 - 20.000 đồng/ly. Do đó, sự "xa xỉ" đến từ các yếu tố khác, không phải do cà phê" - ông Long dẫn chứng.
Nhiều chủ quán đau đầu
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment & FoodEdu Academy, nói rằng việc giá cà phê nguyên liệu tăng quá mạnh thời gian qua khiến các chuỗi F&B có món chính là cà phê gặp áp lực rất lớn. Một số chuỗi cà phê lớn cũng đã có động thái tăng giá từ năm ngoái, không phải mới đây. Còn lại, tình hình chung những quán chưa tăng là do áp lực cạnh tranh lớn. Thậm chí, nhiều quán còn phải chạy khuyến mãi để giữ chân khách khiến lợi nhuận giảm. "Chỉ cần dạo quanh các hội nhóm của các chủ F&B sẽ thấy giá cà phê là vấn đề rất lớn của ngành. Khi khó tăng giá, các quán phải cắt giảm các chi phí khác khiến cho chất lượng dịch vụ đi xuống, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng" - ông Tùng chia sẻ.
Chuyên gia F&B này thông tin trước việc giá cà phê biến động quá lớn, trên thế giới có chuỗi đã mua bảo hiểm giá cà phê để phòng trường hợp giá tăng quá sức chịu đựng thì hãng bảo hiểm sẽ phải chịu chi phí này. Cũng có chuỗi làm lại thực đơn, tư vấn khách hàng chuyển sang các thức uống khác để bớt phụ thuộc mặt hàng này.
Người lao động