Cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng giá
Ngành cà phê Việt Nam đang chịu ảnh hưởng vì khủng hoảng giá, kim ngạch xuất khẩu giảm gần 500 triệu USD. Trong khi đó, việc tái canh gặp nhiều khó khăn.
- 11-12-2019Hạt dẻ TQ 50-60.000 đồng/kg gắn mác hạt dẻ Trùng Khánh, Sapa thổi giá cao gấp 3
- 09-12-2019Ford và McDonald hợp tác để tái chế cà phê thành linh kiện ô tô
- 09-12-2019Lênh đênh phận người vượt hàng trăm cây số hái cà phê thuê kiếm Tết
Đây là những thông tin được nêu ra tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2018-2019 và bàn phương hướng nhiệm vụ niên vụ 2019-2020 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức ngày 10/12 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Niên vụ 2018-2019, cả nước có gần 690.000 ha cà phê, sản lượng đạt xấp xỉ 1 triệu 700.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD. So với niên vụ trước, sản lượng giảm khoảng 3%, còn kim ngạch giảm tới hơn 14%.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu niên vụ này ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, có thời điểm xuống mức 1.207 USD/tấn đối với cà phê Robusta, 88 cent/lb đối với cà phê Arabica. Trước tình hình khủng hoảng về giá như vậy, các nước sản xuất cà phê đã nhóm họp lại để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê trên toàn thế giới.
Giá cà phê xuất khẩu niên vụ này ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây.
Đối với giá cà phê nội địa, nếu như đầu niên vụ trước ở mức trên 42.000 đồng/kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000 đồng/kg và liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 30.000-32.000 đồng/kg. Những biến động về giá cả luôn theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng. Ở chiều ngược lại, giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp. Từ đó, khiến thu không đủ chi, nhiều vườn cà phê đã bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn.
Cùng với khủng hoảng giá, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Điển hình là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh. Mặc dù thời gian qua, việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh nhưng có một thực tế là diện tích cà phê già vẫn còn rất lớn.
Tại Tây Nguyên, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có khoảng 86.000 ha, chiếm 16%, diện tích cà phê 15 - 20 năm tuổi khoảng 140.000 ha, chiếm khoảng 26%. Trong khi đó, việc tái canh lại gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên gần đây cho thấy, tỷ lệ vườn cà phê tái canh thất bại lên tới 38%. Nguyên nhân được xác định là do nông dân chưa áp dụng đúng quy trình tái canh do Bộ NN&PTNT ban hành.
Tình hình sản xuất cà phê cả nước cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. |
Ở khía cạnh khách quan, tình hình sản xuất cà phê cả nước cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. Hết hạn hán đến lũ lụt, liên tục làm thiệt hại nghiêm trọng vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên.
Chỉ riêng đợt lũ tháng 8/2019 đã làm thiệt hại hơn 1.000 ha cà phê của Tây Nguyên. Đồng thời, mưa lớn trong nhiều ngày khiến quả cà phê bị rụng hàng loạt, gây ảnh hưởng rất lớn cho vụ mùa tới. Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ tới sản lượng cà phê cả nước có thể bị giảm đến 15% so với niên vụ này.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, với vị thế là nước xuất khẩu sản lượng cà phê đứng thứ nhì thế giới, riêng cà phê Robusta đứng nhất thế giới, đã khẳng định bước tiến lớn của ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng lại không đi kèm với chất lượng và giá trị cà phê mang lại.
“Cà phê của Việt Nam 90% là xuất khẩu hàng thô và giá cà phê lại phụ thuộc vào sàn cà phê kỳ hạn London và New York, sàn mà người ta điều tiết bằng các nhà đầu cơ tài chính, dẫn đến hậu quả, sản lượng của người nông dân trồng cà phê rất bấp bênh. Có những năm rất tốt nhưng có những năm cũng rất khó khăn. Chu kỳ đã lập lại đến 3 lần rồi, có những lúc đỉnh rồi đáy, có thể nói, niên vụ 2018-2019 là cơn bĩ cực của ngành cà phê Việt Nam”, ông Đỗ Hà Nam nói.
VOV