Cà phê Việt yếu từ tổ chức sản xuất đến chế biến
Ngành cà phê Việt Nam đang yếu kém tất cả các khâu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm khiến giá cả bấp bênh người trồng gặp khó mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
- 08-12-2017Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD cà phê vào 2030
- 05-12-2017Tây Nguyên 'đau đầu' vì cà phê bung hoa lúc đang thu hoạch
- 23-11-2017Giá cà phê lao dốc, nông dân găm hàng, doanh nghiệp khó thu mua
Ngày 9-12, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì khai mạc "Ngày cà phê Việt Nam lần thứ Nhất" tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Đồng thời, tham dự hội thảo về "Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam".
Thông tin tại hội thảo cho thấy kết quả mà ngành cà phê Việt Nam đạt được đến cuối năm 2016 gồm: xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,3 tỉ USD. Trong đó, diện tích canh tác và sản lượng cây cà phê chiếm 90% cả nước, tập trung chủ yếu tại 5 tỉnh Tây nguyên.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng rất ngỡ ngàng trước vườn cà phê sai trĩu quả của gia đình ông Nguyễn Đăng Tĩnh.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá ngành cà phê Việt Nam đang tồn tại những hạn chế, bất cập cần có nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới. "Ngành cà phê Việt Nam đang yếu kém tất cả các khâu từ tổ chức sản xuất cho đến sơ chế, chế biến... ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cà phê khiến giá cả bấp bênh" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, hơn 120.000 ha cà phê già cỗi nhiều địa phương chưa phục tráng đại trà. Chưa kể, nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cà phê. Sơ chế và chế biến chủ yếu bằng phương pháp truyền thống phơi khô bằng thiên nhiên là chính, khiến giảm giá trị và năng suất ngay khâu thu hoạch, chưa kể cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô nên hiệu quả chưa cao. Tổ chức thương mại ngành hàng cũng chưa tốt, thực tế chứng minh hiện nay giá cà phê rất bấp bênh từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, giảm còn 37.000 đồng/kg (cà phê nhân)... khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, ngày 8-12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có chuyến thăm vườn cà phê có năng suất cao của gia đình ông Nguyễn Đăng Tĩnh ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Gia đình ông Tĩnh được hưởng lợi từ Dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp (PPP), sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C nên năng suất và chất lượng cà phê của gia đình nông dân này ngày càng tăng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vui mừng khi 1 ha cà phê của gia đình ông cho thu tới 5 tấn cà phê nhân trong khi trung bình 1ha cà phê của tỉnh Lâm Đồng mới chỉ đạt 2,5-3 tấn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương, đồng thời đề nghị vợ chồng ông Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê với các hộ dân khác để cùng nhau sản xuất, nâng cao năng xuất và chất lượng cà phê, cùng giúp nhau làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình.
Ngày cà phê Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra tại TP Đà Lạt từ ngày 9 đến 11-12. Tại sự kiện này sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như: Hội thảo Quốc tế về đổi mới ngành cà phê Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; Trưng bày không gian cà phê và tham quan mô hình sản xuất, chế biến cà phê năng suất, chất lượng cao.
Cà phê 4C năng suất cao của hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Tĩnh ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm vườn cà phê 4C năng suất cao của hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Tĩnh ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng).
Người lao động