MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả quý 4/2017, thị trường Đà Nẵng không có dự án condotel mới nào được chào bán

10-02-2018 - 08:44 AM | Bất động sản

Đó là thông tin mới nhất được công ty CBRE Việt Nam đưa ra trong báo cáo về tình hình thị trường BĐS Đà Nẵng quý cuối năm 2017.

Dẫn nguồn từ Sở Du lịch Đà Nẵng, báo cáo vừa được CBRE công bố cho thấy trong năm 2017 thành phố chào đón khoảng 6.600.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 35%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng 39% và lượng khách nội địa tăng 12%.

Trong năm 2017, thị trường cho thấy sự dịch chuyển rõ nét hơn về quốc tịch khách quốc tế đến Đà Nẵng. Du khách đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu vượt du khách Trung Quốc về số lượt khách. Nếu trong năm 2016, khách Hàn Quốc chiếm 27% thì trong năm 2017 tỷ lệ này tăng lên 40%. 

Về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, theo CBRE trong quý 4/2017, thị trường đón nhận thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và ba khách sạn 3 sao, cung cấp thêm hơn 1.508 phòng, nâng tổng nguồn cung 3-5 sao lên 16.402 phòng (tăng 37% so với 2016). Thị trường khách sạn tại Đà Nẵng đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, và chỉ những khách sạn biết tạo sự khác biệt và/hoặc có vị trí đẹp mới có thể thu hút du khách.

Nhìn chung do tác động tích cực của tuần lễ cấp cao APEC, các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý 4/2017 so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phòng trung bình cho toàn khối 4-5 sao trong quý 4/2017 đạt 66,8 USD/phòng/đêm, tăng 6,4% theo năm. Công suất phòng trong quý 4/2017 cho khối 4-5 sao đạt 57,3%, tăng 5,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016, trong khi giá phòng trung bình giảm 0,6% do thị trường trở nên cạnh tranh hơn.

Trong thời gian diễn ra tuần lễ cấp cao APEC vào quý 4/2017, Việt Nam, và Đà Nẵng nói riêng, đã có cơ hội tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo doanh nghiệp từ 21 nền kinh tế thành viên, cùng với một lực lượng phóng viên, hậu cần hùng hậu. Sự kiện được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đa quốc gia, giúp thành phố biển ghi thêm dấu ấn trên bản đồ nghỉ dưỡng quốc tế. Điều này chắc chắn sẽ giúp củng cố lực hút đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trong quý 4/2017, thị trường Đà Nẵng không có dự án condotel mới nào được chào bán. Trong cả năm 2017, nguồn cung condotel ghi nhận 1.426 căn mới được chào bán (chỉ bằng 1/4 so với nguồn cung mới năm 2016), từ dự án Coco Ocean Resort & Spa, Coco Towers, Coco Wonderland (thuộc tổ hợp du lịch giải trí Cocobay), và TMS Luxury, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 7.675 căn.

Một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang năm 2018 và 2019 nên nguồn cung mới trong hai năm tiếp theo ước tính khoảng 9.000 căn. Lưu ý, đây là nguồn cung tương lai dự kiến chào bán nên số lượng thực tế có thể thay đổi theo kế hoạch của chủ đầu tư.

Tính đến cuối quý 4/2017, tỷ lệ bán trung bình toàn thị trường Đà Nẵng đạt 90,3% cho phân khúc cao cấp - tăng 3,9 điểm phần trăm (đpt) theo quý và 8,8 đpt theo năm; và 94,2% cho phân khúc trung cấp (tăng 4,4 đpt theo quý và 16 đpt theo năm). Việc giảm nhiệt về nguồn cung mới đã giúp thị trường có thêm thời gian hấp thụ lượng hàng tồn đọng từ trước đó. Giá bán trung bình trong quý cuối của năm /2017 tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016 tại phân khúc cao cấp, và tăng 16% tại phân khúc trung cấp, chủ yếu là do tăng giá tại giai đoạn sau của dự án Central Coast.

Thị trường biệt thự nghỉ dưỡng (second home villa) cũng đã hạ nhiệt trong năm 2017, với chỉ một dự án chào bán mới vào quý 3 (Pan Pacific villa) tại phân khúc hạng sang. Do nguồn cung mới vẫn đang được tiêu thụ, tỷ lệ bán tại phân khúc hạng sang giảm 28 đpt so với năm 2016, trong khi phân khúc cao cấp và trung cấp ghi nhận mức tăng nhẹ, lần lượt là 7,7 đpt và 0,6 đpt. Giá chào bán trung bình giảm 9,9% theo năm tại phân khúc hạng sang, trong khi không thay đổi tại các phân khúc khác (do không có nguồn cung mới tại các phân khúc khác).  

Nam Phong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên