MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá, tôm, mực... Việt Nam dính ‘đòn đau’ vì thẻ vàng EU

25-09-2018 - 17:53 PM | Thị trường

Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container.

Tại hội nghị “Đánh giá 1 năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp (IUU)” tổ chức ngày 25-9 tại TP.HCM, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam ( Vasep ) cho biết xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.

Trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hải sản chỉ đạt 252 triệu USD giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu, giảm liên tục trong năm 2018.

Đặc biệt mặt hàng mực, bạch tuộc xuất sang EU liên tục giảm sâu từng tháng, có tháng xuất khẩu giảm tới 41%, bị tác động rõ rệt bởi thẻ vàng của EU

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep giải thích: Khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí họ sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng.

Ngoài ra, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác.

Điều này sẽ khiến DN Việt mất thời gian, chi phí. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.

Đáng lo ngại nhất là nếu bị thẻ vàng nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Nếu bị thẻ đỏ coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.

Được biết, Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản vào tháng 1-2019.

Bà Trần Ngọc Tươi, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thủy hải sản Vĩnh Thuận Sài Gòn cho biết DN đang gặp khó trong quá trình lấy nhật ký khai thác từ các tàu đánh bắt.  Để có nhật ký khai thác, doanh nghiệp phải đi một vòng thông qua các đại lý, đầu nậu rồi mới tới ngư dân.

Tuy nhiên, khi quay ngược lại nhờ các chủ tàu xác nhận thì không đơn giản, vì họ sợ liên quan đến vấn đề pháp lý và lo ngại Nhà nước truy thu thuế.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, các địa phương và ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền cho ngư dân hiểu việc cần thiết phải có nhật ký khai thác, chỉ khi có giấy này doanh nghiệp mới xuất khẩu được thủy sản ra nước ngoài”, bà Tươi đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Vasep cũng cho biết việc khắc phục thẻ vàng EU gặp nhiều khó khăn vì hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

Như vậy, lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn nhưng còn thiếu kinh phí thực hiện. Mỗi thiết bị định vị này có giá khoảng 1,7 triệu đồng, với số lượng lớn tàu thuyền nhiều, giá thiết bị cao, cần sự hỗ trợ từ chính phủ.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp và đại diện Ban quản lý cảng cá địa phương đồng ý phải tiếp tục kiến nghị sửa đổi Thông tư 02 năm 2018 của Bộ NNPTNT để thuận lợi và thống nhất chống khai thác IUU.

Thực tế, Thông tư ra đời sớm nhưng việc triển khai không đồng nhất ở các địa phương. Doanh nghiệp không xin được giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (NLTS) tại cảng cá do vướng mắc về quy định trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc NLTS. Việc kiểm tra “dàn hàng ngang” 100% lô hàng thủy sản nhập khẩu còn nhiều bất cập.

Một số DN cho rằng nên học tập Philippines một trong những quốc gia đã từng bị EU rút thẻ vàng vào năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được chiếc thẻ này chỉ trong 10 tháng sau đó. Cơ quan quản lý lẫn Chính phủ nước này đều vào cuộc thay đổi pháp lý, đào tạo thêm lính canh biển cũng như tiến hành thu mua các thiết bị giám sát và quản lý tàu thuyền…

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên