MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra mang về 2 tỉ USD

25-10-2022 - 12:30 PM | Thị trường

Cá tra mang về 2 tỉ USD

Xuất khẩu cá tra sang Đức trong tháng 9 tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và xuất khẩu sang Peru tăng gấp 17 lần

Xuất khẩu liên tục lập kỷ lục nhưng ngành cá tra vẫn bị đánh giá là lớn nhưng chưa mạnh, tăng trưởng chưa bền vững do chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu; các sản phẩm chế biến còn ít, công tác xây dựng thương hiệu ở nước ngoài chỉ mới bắt đầu.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt gần 2 tỉ USD, tăng trưởng ấn tượng ở mức 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là thị trường dẫn đầu, chiếm 30% thị phần, giá trị tăng 111% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ xếp vị trí thứ 2, chiếm 23% thị phần, với kim ngạch 454 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp (DN), Mỹ là thị trường có vai trò dẫn dắt thương mại cá tra toàn cầu, đặc biệt là giá, góp phần tăng giá trị cho xuất khẩu cá tra năm nay. Đáng chú ý, thị trường châu Âu (EU) có mức tăng trưởng hơn 100%, đạt 160 triệu USD là điểm sáng của ngành khi quay trở lại ấn tượng ở thị trường khó tính này.

Xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường riêng lẻ khác cũng tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ như Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Úc, Singapore… Ấn tượng hơn cả là xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức trong tháng 9 tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và xuất khẩu sang Peru tăng gấp 17 lần. VASEP dự báo ngành cá tra có thể đạt mức kỷ lục 2,5 tỉ USD trong năm nay, tăng 54% so với năm 2021 nhờ các đơn hàng xuất khẩu cá tra đang nhích lên trong tháng 10 - tháng đỉnh điểm của mùa giao dịch cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), nhìn nhận kết quả ấn tượng trên của ngành cá tra nhờ tổng hòa nhiều yếu tố. "Sau suốt 3 năm ách tắc, thị trường đã được khơi thông khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Đặc biệt, cá tra được tiêu thụ mạnh ở kênh dịch vụ ăn uống nên khi nhà hàng, khách sạn, quán ăn… mở cửa trở lại, khách hàng đặt hàng tới tấp. Năm 2022, thế giới đối mặt với lạm phát thì cá tra có lợi thế là loại thủy sản chất lượng, giá bình dân nên nhu cầu tăng cao" - ông Đạo phân tích.

Cá tra mang về 2 tỉ USD - Ảnh 1.

Các sản phẩm chế biến từ cá tra được giới thiệu tại một hội chợ thủy sản vừa diễn ra ở TP HCM

Tiềm năng còn rất lớn

Ông Phạm Minh Thiện, đại diện Công ty CP Tân Long (Đồng Tháp) - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cá tra, nhìn nhận nếu so sánh kết quả xuất khẩu năm nay và năm ngoái thì rất đột biến nhưng nếu nhìn cả một quá trình của ngành cá tra vài năm gần đây thì ngành chỉ đang lấy lại những gì đã mất.

"Năm 2018, ngành cá tra lập kỷ lục xuất khẩu 2,26 tỉ USD, sau đó giảm xuống 2 tỉ USD năm 2019, xuống đáy 1,54 tỉ USD vào năm 2020; hồi phục nhẹ năm 2021 ở mức 1,64 tỉ USD. Như vậy, nếu năm nay xuất khẩu cá tra đạt 2,5 tỉ USD thì chỉ tăng trưởng 10% so với năm 2018. Điều này cho thấy ngành cá tra phát triển thiếu ổn định, có thể sau đỉnh 2022, ngành lại rơi vào khủng hoảng như sau đỉnh năm 2018" - ông Thiện cảnh báo.

Ông Thiện nói thêm hồi năm 2018, có đối tác của ông đang nuôi 17 ao cá tra đã tăng lên 40 ao nuôi, mật độ thả dày lên góp phần tạo ra khủng hoảng thừa những năm sau đó khiến không chỉ người nuôi mà DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu cũng lao đao. "Do đó, vấn đề kiểm soát sản lượng sao cho vừa đủ với thị trường vẫn là yếu tố cốt lõi giúp ngành cá tra phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc gia tăng tỉ lệ cung cấp hàng ra nội địa cũng sẽ giúp ngành cá tra bớt phụ thuộc xuất khẩu" - ông Thiện bày tỏ.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự VASEP - đánh giá các DN cá tra đã rất nỗ lực để có kết quả cao như năm nay. Nhưng theo bà, ngành cá tra còn có thể phát triển hơn nữa nếu xây dựng được cộng đồng DN cá tra đoàn kết chứ không phải những mảnh ghép riêng rẽ như hiện tại.

"Thẳng thắn mà nói thì ngành cá tra Việt Nam lớn nhưng không mạnh, xuất khẩu nguyên liệu là chủ yếu và chưa có thương hiệu để người tiêu dùng thế giới biết đến. Phần lớn cá tra bán ở nước ngoài dưới tên nhà nhập khẩu hoặc bán lẻ nước ngoài, DN Việt Nam chỉ có 1 dòng tên nhỏ xíu, thậm chí chỉ là mã số DN" - bà Hồng Minh nói.

Nhận định này phù hợp với thống kê hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2022, sản phẩm cá tra chế biến chỉ chiếm chưa đến 2%, còn lại vẫn là cá tra nguyên liệu (phi-lê, cá tra cắt khúc, cá tra nguyên con...).

Tuy vậy, theo bà Hồng Minh, ngành cá tra có cơ hội lớn trong việc xây dựng thương hiệu do ngành đang đi theo hướng kinh tế xanh, giảm phát thải khi toàn bộ phụ phẩm cá tra đều được sử dụng. "Cá tra là ngành sản xuất theo tiêu chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu của tất cả thị trường khắt khe như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... với nhiều lợi thế cạnh tranh.

Quan trọng nhất là các DN phải hợp lực, đồng lòng để xây dựng thương hiệu chung thì mới có thể làm chủ cuộc chơi, chủ động ấn định giá bán chứ không phải cạnh tranh với nhau giảm giá, rồi dìm chất lượng" - bà Hồng Minh khuyến cáo.

Là người đeo đuổi thị trường nội địa cho cá tra nhiều năm, ông Phạm Minh Thiện đánh giá thị trường rất tiềm năng bởi cá tra là loài thủy sản lành tính, giá bình dân nên phù hợp với số đông.

"Nếu như thị trường xuất khẩu chỉ nhập một số kích cỡ cá tra nhất định thì thị trường nội địa mọi kích cỡ đều có thể sử dụng được; vụn thịt cá sau khi cắt tỉa tạo hình miếng phi-lê, rất phù hợp để làm chả cá. Với nguồn đạm cá tra, chúng ta có thể cung cấp những bữa ăn sạch, dinh dưỡng cao và giá rẻ, phù hợp với nhiều người. Công ty chúng tôi chuẩn bị ra mắt bánh canh chả cá với giá chỉ khoảng 12.000 đồng/suất" - ông Thiện nói.

Chậm mà chắc

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết DN đã đầu tư một nhà máy 30 triệu USD chuyên hàng giá trị gia tăng cá tra và đầu tư bài bản cho thị trường nội địa với chiến lược "chậm mà chắc". "Năm 2022, dù xuất khẩu cá tra rất tốt nhưng DN vẫn kiên trì với thị trường nội địa.

Năm 2022, doanh số hàng nội địa trong tổng doanh thu đã chiếm 10% từ tỉ lệ 5% của năm 2020. Thị trường miền Bắc phát triển mạnh hơn do người tiêu dùng hứng thú với sản phẩm mới trong khi người tiêu dùng miền Nam đã quen với loài cá da trơn này nên đòi hỏi sản phẩm chế biến sâu, tiện lợi.

Khi có sản phẩm được thị trường đón nhận thì tỉ suất lợi nhuận cao hơn bán nguyên liệu nhờ tính độc quyền. Tuy nhiên, DN lại đối mặt với tình trạng bị "nhái" sản phẩm nên không duy trì lợi thế được lâu. Ở sân nhà, dù phải cạnh tranh gay gắt nhưng tiềm năng thị trường rất lớn và không thể bỏ qua" - ông Đạo nhìn nhận.

Theo Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên