MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra Việt Nam đang...nhỏ dần ?

05-04-2017 - 10:00 AM | Thị trường

“Một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp mà công nghệ giống rất kém, từ lúa, cây ăn trái và thủy sản. Vấn đề giống trở thành vấn đề sống còn trong 5-7 năm tới” - giám đốc VCCI Cần Thơ cảnh báo.

Ngày 4-4, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ tổ chức họp báo quý I-2017 để thông tin về tình hình thị trường cá tra và chỉ số PCI các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.


Ông Võ Hùng Dũng thông tin về tình hình cá tra tại cuộc họp ngày 4-4. Ảnh: N.NAM

Ông Võ Hùng Dũng thông tin về tình hình cá tra tại cuộc họp ngày 4-4. Ảnh: N.NAM

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết ông đang lo lắng giá cá hiện đang rất cao trong khi chúng ta đang khan hiếm về giống.

“Vấn đề giống về cơ bản không giải quyết được. Không chỉ giống con mà giống bố mẹ cũng khan hiếm. Triển vọng của ngành gần 2 tỉ USD và hàng vạn con người làm việc trong đó rất dễ bị bế tắc khi con giống suy thoái. Có một nghiên cứu của nước ngoài cho thấy kích cỡ con cá tra hiện nay suy giảm hơn so với trước, trọng lượng cũng suy giảm hơn so với bình quân của 7-8 năm trước… Một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp mà công nghệ giống rất kém, từ lúa, cây ăn trái và thủy sản. Vấn đề giống trở thành vấn đề sống còn trong 5-7 năm tới” - ông Dũng cảnh báo.

Trao đổi với một số báo sau cuộc họp về việc Nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang) bị người dân phản ánh về việc gây ô nhiễm, VCCI Cần Thơ có cảnh báo gì về thu hút FDI (đầu tư nước ngoài) bằng mọi giá? Ông Dũng cho biết VCCI Cần Thơ có quan điểm từ rất lâu rồi, là không tán thành thu hút đầu tư với những dự án gây ô nhiễm môi trường.

Vì thứ nhất nó hủy hoại tài nguyên đang có. Thứ hai, những nhà máy đó gây nên ô nhiễm làm cho đời sống dân chúng ở đó bị mất thì nó làm mất luôn kết nối về văn hóa, kết nối với nền tảng lao động sản xuất nông nghiệp, buộc họ phải tha phương cầu thực thì rất nguy. Đó là hậu quả kép của việc gây ra ô nhiễm môi trường.

Nhưng nếu vì lý do gì đó đã cấp giấy cho họ đầu tư rồi thì phải xem xét khía cạnh pháp lý chứ không phải chúng ta mời họ vào đầu tư rồi thấy không ổn thì đuổi. Không thể nói khơi khơi muốn đuổi là đuổi được mà chúng ta phải xem về pháp lý, họ vi phạm cái gì, vấn đề gì phải khuyến cáo, vấn đề gì phải hỗ trợ cho họ…

"Khi xem xét hết mà họ không làm đúng như quy định của mình thì đóng chứ không thể nói ngang xương. Người ta vào là do mình mở cửa mời, dễ dãi cũng do mình, nếu mình không kiểm soát thì người ta - nhà đầu tư luôn luôn tìm kiếm chi phí thấp, đó là bản chất của dân làm ăn" - ông Dũng nói.

Theo Nhẫn Nam

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên