MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các bãi rác "vỡ trận"

25-08-2018 - 09:05 AM | Xã hội

Từ thu gom rác thải đầu nguồn cho đến việc xử lý tại các bãi rác lớn ở tỉnh Quảng Nam, Bạc Liêu đều có nhiều bất cập.

Nhiều bãi rác tập trung quy mô lớn của tỉnh Quảng Nam đang trong tình trạng xuống cấp, quá tải, trong khi các dự án thay thế chậm triển khai.

Đơn vị thu gom rác thua lỗ

Ông Dương Văn Thạnh - cán bộ môi trường xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - thừa nhận hơn 3 tháng nay, xã tổ chức đốt rác hữu cơ để cân đối thu - chi, giảm bớt nợ cho công ty môi trường.

Trong đề án thu gom rác thải của xã, mỗi tháng, 10 hộ dân sẽ thải ra 1 m3 rác. Tuy nhiên, số lượng rác thải từ các hộ dân thải ra vượt quá dự tính nên chi vượt thu. Xã Bình Trung chỉ thu được hơn 80% tổng số hộ dân. Tình trạng đốt rác gây ô nhiễm môi trường cũng xảy ra ở xã Bình Lãnh (huyện Thăng Bình). Ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh, thừa nhận do không có kinh phí nên xã đành phải đốt rác trái quy định.

Các bãi rác vỡ trận - Ảnh 1.

Tấm biển ghi cấm đổ rác tại cổng nhà chứa rác ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam nhưng rác thải tràn ngập Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Mới đây, HTX Nông nghiệp Bình Đào - đơn vị duy nhất của huyện Thăng Bình quản lý dịch vụ thu gom rác thải từ tháng 6-2015 - đã bàn giao lại cho UBND xã Bình Đào quản lý. Ba năm qua, năm nào HTX cũng phải bù lỗ hàng chục triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Thăng Bình, mỗi năm huyện chi khoảng 1,4 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải. Lượng rác từ trong dân thải ra quá lớn nên nhiều địa phương phải trích thêm ngân sách bù lỗ.

Một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam cho biết những năm trước đây, để giải quyết nhu cầu bức bách rác thải, nhiều nơi sốt sắng xây dựng công trình chôn lấp, lò đốt tạm nhưng lại nằm sát khu dân cư, không theo một quy hoạch nào. Như ở huyện Bắc Trà My, từ đầu năm 2016, chính quyền địa phương đã cho xây lò đốt thủ công tại thôn 3, xã Trà Tân. Ban đầu, các hộ đều tự giác chấp hành tốt việc đem rác bỏ trực tiếp vào lò đốt nhưng gần đây, người dân lại không đồng tình ủng hộ vì lò rác nằm sát khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Gia hạn thời gian đóng cửa bãi rác

Bãi chứa rác thải Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) có diện tích hơn 11 ha được sử dụng tạm từ năm 2001, giải quyết hầu hết lượng rác thải từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn với khoảng 209 tấn rác/ngày. Theo báo cáo đầu tháng 6-2018 của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, cả 2 hộc chứa rác của bãi rác này đã quá tải. Trong thời gian chờ đầu tư dự án lò đốt rác Đại Nghĩa (Đại Lộc) thay thế, chính quyền tỉnh Quảng Nam gia hạn hoạt động bãi rác Đại Hiệp đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho rằng dự án lò đốt Đại Nghĩa chắc chắn không thể hoàn thành trước cuối năm 2018 bởi đang gặp rắc rối về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến cuối năm 2018, nếu đóng cửa bãi rác mà lò đốt rác chưa xong thì lượng rác khổng lồ chưa biết đổ về đâu.

Với diện tích rộng 22,3 ha, mỗi ngày, bãi rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) tiếp nhận, xử lý bình quân 250 tấn rác thải ở TP Tam Kỳ và 5 huyện khác. Kiểm tra hệ thống xử lý rác thải Tam Xuân 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ghi nhận có lượng nước nhỉ khá lớn ứ đọng trong khu xử lý. Trong khi đó, dự án lò đốt rác thải Tam Xuân 2 với công suất 245 tấn rác thải/ngày chưa thể triển khai do vướng quy hoạch.

Nan giải hơn, tại bãi rác Cẩm Hà (TP Hội An), khối lượng rác ứ đọng tại bãi tập kết Cẩm Hà đến đầu năm 2018 đã lên 80.000 tấn. Mỗi ngày, tổng lượng rác của người dân TP Hội An lên đến 100 tấn, trong khi nhà máy chỉ xử lý tối đa 30 tấn/ngày. Vì vậy, lượng rác tại bãi tập kết tràn ra, bốc mùi hôi thối khiến người dân thị xã Điện Bàn và TP Hội An sinh sống lân cận hết sức khốn khổ.

Hơn 20 năm từ ngày tái lập tỉnh, Bạc Liêu chỉ có một bãi rác tập trung, xử lý bằng thủ công tại ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Bãi rác này có tổng diện tích 12 ha, hiện đã vượt sức chứa hơn 100%, rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại chất cao như núi. Xung quanh bốc mùi hôi thối, cùng với ruồi, muỗi, chuột, côn trùng sinh sôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. "Người dân ở đây quanh năm sống chung mùi hôi thối và ruồi nhặng nhiều đến mức không thể ngồi ăn cơm được" - bà Đỗ Thị Kiều Trinh, nhà ở gần bãi rác, than thở.

Theo quy hoạch, bãi rác Tân Tạo chỉ có sức chứa trong 10 năm (từ 2007-2016). Trong 2 năm qua, bãi rác này mỗi tháng phải tiếp nhận khoảng 1.500 tấn rác. Giải pháp hạn chế quá tải hiện nay bằng cách dùng máy cẩu để đưa rác lên cao, phun vi sinh, khử mùi. Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

"Do không có nhà máy xử lý, phải chôn lấp rác thải bằng phương pháp thủ công, 100% rác thải sinh hoạt không qua phân loại tại nguồn nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gia tăng. Các loại rác hữu cơ, rác vô cơ, thậm chí chất thải nguy hiểm và độc hại từ nhiều nguồn khác nhau đều được chôn chung, để lại những hệ quả tiêu cực cho môi trường" - bà Lê Thị Ngọc Trâm, Quản lý Khu xử lý bãi rác Tân Tạo, nhấn mạnh.

Cẩn thận khi chọn nhà đầu tư

Theo PGS-TS Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, xu thế hiện nay trên thế giới, khi đầu tư nhà máy xử lý rác đều sử dụng công nghệ đốt. Bởi khi áp dụng công nghệ này, tro được chôn lấp hoặc có thể dùng làm các việc khác, đáp ứng tất cả các tiêu chí về môi trường và có thể coi là phương pháp xử lý triệt để nhất hiện nay về rác thải.

Giải pháp chôn lấp không giải quyết triệt để rác thải, chất thải sau khi chôn lấp vẫn có thể ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm mùi hôi trong khu vực chôn lấp. Do đó, các địa phương cần cẩn trọng khi lựa chọn nhà đầu tư, xem xét nhà đầu tư áp dụng công nghệ gì.

T.TRỰC

Kỳ tới: Thu hồi dự án, đầu tư công nghệ mới


Theo TRẦN THƯỜNG - DUY NHÂN

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên