Các cặp vợ chồng "làm đồng nào tiêu hết đồng đó" đều có điểm chung này
Nhiều vợ chồng mới cưới gặp khó khăn để tìm được cách quản lý tài chính phù hợp.
- 01-11-20244 việc làm tưởng chừng như tiết kiệm tiền nhưng lại là sai lầm: Càng chặt chẽ càng phải chi tiêu nhiều hơn
- 28-10-2024Muốn giàu thì đừng phí tiền mua cà phê hay ăn ngoài: Lời cảnh báo của Shark nổi tiếng về những khoản chi tiêu ‘vô hại’ của giới trẻ
- 14-10-2024Dấu hiệu của một người không thể giàu nổi: Duy trì 3 thói quen chi tiêu này!
Vợ chồng mới cưới không có tiền tiết kiệm, ngại nói chuyện tiền nong
Thục Hiền (26 tuổi, Hà Nội), kết hôn cùng chồng bằng tuổi vào đầu năm nay. Cả hai vợ chồng đều làm trong mảng Tài chính, với tổng thu nhập là 50 triệu/tháng.
Thục Hiền chia sẻ, thời gian đầu mới kết hôn, cả hai đều không thống nhất được cách quản lý tài chính của gia đình. Một nguyên nhân vì hai vợ chồng đều ngại động đến chuyện tiền nong, cùng suy nghĩ đó là vấn đề thảo luận nhạy cảm. Nguyên nhân còn lại thì đến từ tính cách của cặp đôi. Chồng cô nàng từng là người quản lý tiền bạc khá kém, có bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu. Trong khi đó, Thục Hiền sinh ra từ gia đình dư dả tài chính, nên cũng không quan tâm đến chuyện phải có quỹ tiết kiệm.
"Thỉnh thoảng, trong các cuộc nói chuyện vui vẻ, hai chúng mình đều bàn với nhau, hay từ giờ trở đi sẽ sống tiết kiệm. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Cả hai vẫn khó thống nhất quan điểm quản lý tài chính, nên có quỹ chung hay quỹ riêng. Vì mới cưới, nên chúng mình cũng đi du lịch và còn ham mua sắm quá nhiều, nên việc phải kiểm soát chi tiêu cứ bị lùi lại từ tháng này sang tháng khác", Thục Hiền chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Nhiên (28 tuổi, Hà Nội) cũng chia sẻ một năm đầu sau khi kết hôn, vợ chồng cô đã gặp nhiều khó khăn để tìm được tiếng nói chung trong chuyện tiền nong của gia đình. Thời điểm trước khi kết hôn, cả hai không công khai thu nhập nên khó biết đối phương kiếm được bao nhiêu tiền, chi tiêu có đúng cách hay không.
Bản thân Nguyễn Nhiên trước khi lập gia đình thì không ngó ngàng gì tới quản lý tài chính. Điều này khiến cô có thói quen chi tiêu khá tuỳ hứng, không có kế hoạch. Kết quả là sau vài năm đi làm, cô nàng chỉ có quà của bố mẹ và bạn bè tặng làm của hồi môn, chứ bản thân không để ra được khoản tiền nào lớn cả.
"Thời gian đầu mới cưới, mình còn đưa phần lớn tiền lương cho chồng giữ, còn bản thân chỉ giữ lại một phần nhỏ. Nhưng mình thấy cách quản lý tài chính này có gì đó sai sai. Bởi thứ nhất, chồng mình cũng không giỏi kiểm soát chi tiêu, dẫn đến nửa năm đầu sau kết hôn, cả hai không có đồng nào tiết kiệm. Bên cạnh đó, chồng mình cũng lười nên không ghi chép được hết khoản thu chi trong nhà, nên sau này muốn cắt giảm chi tiêu thì cũng không biết nên bỏ khoản nào.
Sau này, chúng mình đã cùng bàn bạc cả hai phải cùng quản lý tài chính. Khi cả hai đều có trách nhiệm thì sẽ biết sống tử tế hơn, không còn phung phí tiền bạc bừa bãi nữa", Nguyễn Nhiên tâm sự.
Chi tiêu kỷ luật, cùng đồng lòng sống tiết kiệm
Hiện, vợ chồng Nguyễn Nhiên đã chuyển sang dùng quỹ chung, cả hai sẽ cùng quản lý tài chính. Cô nàng chia sẻ: "Tài chính gia đình mình được chia làm 2 phần là tiền góp chung và tiền riêng cá nhân. Tiền góp chung được chi vào 4 mảng chính gồm: Chi tiêu sinh hoạt hàng ngày (Tiền nhà, điện nước, ăn uống,...), Đầu tư tương lai (Tiền mua nhà, tiền tích luỹ tài sản và tiền mua báo hiểm), Tiền tận hưởng cuộc sống và Tiền tiết kiệm. Tổng 4 khoản tiền sẽ ra một con số. Sau đó, hai vợ chồng chia đóng theo tỷ lệ của thu nhập, để cùng đóng góp vào quỹ chung.
Điều quan trọng là cả hai đều phải tôn trọng và nói thật với đối phương. Mình nghĩ vợ chồng có thể không biết rõ lương, thu nhập của nhau nhưng phần đóng góp chung cần rõ ràng và minh bạch về con số".
Nguyễn Nhiên chia sẻ trong tài chính gia đình thì không nên phó mặc trách nhiệm sang cho một bên. Vì điều này dễ dẫn đến quản lý tài chính không hiệu quả và hình thành xung đột. Bên cạnh đó, cả hai đều đặt mục tiêu tiết kiệm 30% thu nhập, sống giản dị và hạn chế mua sắm, đi du lịch và ăn uống như ở thời điểm mới kết hôn.
Còn về phía Thục Hiền, cả hai vợ chồng sau khi thống nhất thì chọn cách lập quỹ chung. Ngoài ra, cả hai cũng có quỹ riêng để chi tiêu cho sở thích cá nhân. Cô nàng chia sẻ: "Quỹ chung của gia đình là do mình giữ. Trong chi tiêu gia đình sẽ có những khoản chồng chi, có những khoản mình chi thì đều ghi vào Google Sheet, lúc cần thì sẽ xem lại. Cuối tháng nếu cả hai tính toán mà thấy tiêu nhiều hơn khoản đóng góp vào quỹ chung, thì vợ hoặc chồng đều phải trích quỹ riêng để đóng góp vào phần thiếu hụt.
Bên cạnh đó, do cùng có kiến thức về Tài chính nên cả hai vợ chồng mình đều có khoản đầu tư riêng. Cả hai vẫn thường chia sẻ về các khoản đầu tư đó, về tỷ suất sinh lời, số tiền đóng góp và dự báo tăng trưởng của các sản phẩm tài chính".
Thục Hiền chia sẻ, từ sau khi thay đổi cách quản lý tài chính, mọi chuyện chi tiêu, đầu tư và tiết kiệm đều diễn ra tự nhiên và suôn sẻ hơn. Đặc biệt là khoản đầu tư tăng dần, từ đó họ có thêm tiền cho quỹ kinh doanh và mua nhà, đồng thời tạo được dòng thu nhập mới cho gia đình.
Từ trải nghiệm cá nhân, Thục Hiền gửi lời khuyên cho những cặp đôi mới kết hôn muốn cùng nhau phá bỏ sự ngại ngùng khi thảo luận về vấn đề tài chính: "Quan điểm của mình là vợ chồng phải có sự tin tưởng, đồng thuận, thể hiện rõ nhất qua việc quản lý tiền nong của gia đình. Nếu biết nhà mình có và sẽ có bao nhiêu tiền, vợ chồng sẽ dễ dàng lên kế hoạch đầu tư, tiết kiệm, mua sắm lớn,...
Đầu tiên, vợ chồng cần công khai thu nhập, chi tiêu với nhau. Tiếp theo cả hai thống nhất các khoản chi tiêu hàng tháng, các khoản cần và muốn, khoản mua sắm lớn, khoản tiền dành cho đầu tư, % cho tiết kiệm.... Tốt nhất là bạn nên có sổ theo dõi thu chi, tổng kết hàng tháng để càng minh bạch về tài chính".
Phụ nữ số