MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các chuyên gia hàng đầu khẳng định: "Tham vọng vươn lên vị trí số 1, soán ngôi đồng USD của Trung Quốc sẽ không trở thành hiện thực!"

24-08-2020 - 14:19 PM | Tài chính quốc tế

Có một điều mà Bắc Kinh không hài lòng về thế giới đó là sự "thống trị" của đồng USD. Họ đã nỗ lực hơn 1 thập kỷ qua để làm suy yếu vai trò của đồng tiền này trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mong muốn "soán ngôi" đồng USD của Trung Quốc có thể sẽ không trở thành hiện thực trong tương lai gần, ngay cả khi đồng tiền này đã yếu dần ở thời gian gần đây.

Thái độ của Trung Quốc đối với đồng USD gần đây ngày càng trở nên gay gắt hơn, khi Washington nhắm đến việc trừng phạt cả quan chức Hồng Kông và Bắc Kinh, đồng thời đe dọa những định chế tài chính có làm ăn với những cá nhân này - bao gồm cả Trưởng đặc khu Hồng Công Carrie Lam.

Quyền lực này có "gốc rễ" từ sự thống trị của đồng USD, khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn để đáp trả. Trong một kịch bản tồi tệ, Mỹ có thể cấm các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với hệ thống thanh toán bằng đồng USD, làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không hài lòng với "siêu đặc quyền" (exorbitant privilege) mà Washington được hưởng nhờ việc USD đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế quan trọng hàng đầu, đặc biệt khi Fed nới lỏng tiền tệ để giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước khiến đồng tiền này bị suy yếu. Do đó, Bắc Kinh coi những động thái trên của Fed là một cách để chuyển chi phí của những vấn đề trong nước sang các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, bằng cách thu tiền từ việc phát hành tiền (seigniorage).

Vị thế thống trị của đồng USD đang lung lay?

Guo Shuqing – chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), cảnh báo rằng gói kích thích lớn chưa từng có của Mỹ có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Theo đó, sự suy yếu của đồng USD trong thời gian gần đây đã khiến Bắc Kinh thêm phần lo ngại rằng tài sản ở nước ngoài và 1,3 nghìn tỷ USD dự trữ của họ sẽ bị mất giá.

Biện pháp nới lỏng tiền tệ của Fed, được đưa ra cùng lúc với tăng trưởng kinh tế Mỹ co hẹp mạnh đã khiến một số chiến lược gia cảnh báo rằng các chính sách tài chính và tiền tệ của Mỹ có thể tạo ra sự lo sợ về việc đồng tiền tệ này sẽ rớt giá. Điều này khiến khả năng bảo toàn giá trị các khoản đầu tư của đồng USD sẽ bị mất.

Theo đó, Goldman Sachs cảnh báo tình trạng này có thể khiến vị trí thống trị của đồng USD trên thị trường ngoại hối toàn cầu bị lung lay, bởi khối lượng thanh khoản lớn của USD trong hệ thống tài chính có thể khiến rủi ro lạm giá gia tăng khi đại dịch kết thúc.

Dẫu vậy, một số chuyên gia khác cho biết vị thế của đồng USD khó có thể thay đổi trong thời gian tới, bởi một số lợi thế mà đồng tiền khác không thể có được. Những cảnh báo về sự sụp đổ của đồng USD không phải là mới, khi cuộc tranh luận về liệu các biện pháp kích thích kinh tế có dẫn đến lạm phát hay không vẫn diễn ra từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn 1 thập kỷ trước.

Ngoài ra, ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, nhiều người đã lo ngại về đồng USD, khi Mỹ chứng kiến lượng thâm hụt tài chính và thương mại khổng lồ. Và từ năm 2003 đến 2014, chỉ số đồng USD cũng thấp hơn mức hiện tại, có lúc còn thấp hơn nhiều.

Những động thái của Trung Quốc

Do đó, Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra những động thái để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với việc thúc đẩy việc sử dụng đồng CNY trong các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, vì đồng CNY không được tự do chuyển đổi, nên đây không phải là một lựa chọn thay thế cho USD.

Cựu Thống đốc PBOC - Zhou Xiaochuan, cũng đưa ra ý tưởng sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) - đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên IMF, nhằm thay thế một số chức năng nhất định của đồng USD. Dẫu vậy, Trung Quốc thực hiện rất ít động thái để thúc đẩy và không có nhiều doanh nghiệp trên thế giới thực sự sử dụng SDRs.

Trong động thái mới nhất, Thống đốc NHTW  – Yi Gang, đã viết trên Financial Times hồi tháng trước rằng IMF nên phân bổ SDRs cho các quốc gia thành viên để giúp họ ứng phó với tác động của dịch bệnh, nhưng cũng có rất ít hành động thúc đẩy đối với đề xuất này.

Cho dù Bắc Kinh nỗ lực đưa đồng CNY vượt qua USD, thì vai trò chính của đồng tiền tệ này trong thời gian gần vẫn được đảm bảo, do những điểm yếu của các "đối thủ". Theo các chuyên gia, đối với Trung Quốc, sự thật phũ phàng này vẫn tiếp diễn: quốc gia này có ít "quân bài" nếu Mỹ hạn chế quyền tiếp cận của các ngân hàng Trung Quốc, để đáp trả cho luật an ninh mà nước này áp lên Hồng Kông.

Cho đến nay động thái nỗ lực "tách rời" khỏi đồng USD của Trung Quốc chỉ đạt được hiệu quả hạn chế. Tại Hồng Kông, Bắc Kinh từng dự đoán vào năm 2013 rằng lượng tiền gửi bằng đồng CNY tại thành phố này có thể nhanh chóng vượt mốc 3 nghìn tỷ CNY. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6 năm nay, con số này chỉ là 639,9 tỷ CNY.

Ngoài ra, gần đây, Nga và Trung Quốc đã tiến tới liên minh "hạ bệ" đồng USD, một phần bằng cách ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các NHTW của EU, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Belarus. Theo Nikkei, Bắc Kinh và Moscow đã cắt giảm đáng kể lượng USD sử dụng trong thương mại song phương trong vài năm qua, giảm xuống mức thấp kỷ lục là 46% trong quý I/2020. Dẫu vậy, tỷ trọng của đồng CNY trong thanh toán quốc tế vẫn chưa đến 2% vào đầu tháng 7, rất thấp so với 40% của đồng USD.

Chưa có đồng tiền tệ nào có thể thế chỗ USD

Cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ - Mark Sobel, cho biết suy đoán về sự sụp đổ của đồng USD khiến đồng tiền này mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ là "cực kỳ viển vông và không thể tin được". Theo ông, Mỹ vẫn sở hữu thị trường vốn có quy mô và thanh khoản lớn nhất thế giới, hệ thống tài chính linh hoạt và thái độ ưa thích trên toàn cầu, từ đó thúc đẩy việc sử dụng đồng USD.

USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế vào năm 1944 sau Hiệp định Bretton Woods. Ngày nay, đồng tiền này vẫn chiếm khoảng 62% dự trữ ngoại hối của thế giới, dù đã giảm so với mức đỉnh hơn 85% vào những năm 1970. Đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, và đặc biệt là các NHTW quản lý dự trữ ngoại hối, nắm giữ USD có nghĩa là nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ. Trong trường hợp của Trung Quốc, các số liệu mới nhất cho thấy, 58% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối năm 2015 được định danh bằng USD.

Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và là cựu cố vấn chính sách cấp cao của IMF, cho biết sự trượt giá gần đây của USD là một trong một loạt các biến động có thể giải thích. Đồng USD mạnh lên nhờ dòng tiền đổ vào trái phiếu Kho bạc Mỹ. Khi dịch bệnh lây lan khắp thế giới vào tháng 3, đồng USD bắt đầu rớt giá sau khi Fed bơm thanh khoản vào thị trường tài chính bắt đầu từ tháng 5.

James McCormack, trưởng nhóm xếp hạng quốc gia và siêu quốc gia tại Fitch Ratings, cho biết rõ ràng là các nhà hoạch định chính sách ở một số nước muốn hạn chế sự thống trị của USD, nhưng sự thay đổi thực sự vẫn chưa có tác dụng. 

Trong khi, nhìn chung, các kinh tế gia đều đồng tình rằng xác xuất đồng USD bị thay thế là không đáng kể trong thời gian ngắn và liệu có khả năng xảy ra trong dài hạn hay không một phần phụ thuộc vào sự xuất hiện của một "ứng viên", thì không có đối thủ nào được cho là tiềm năng. 

Yu Yongding – kinh tế gia nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết việc đồng USD có sụp đổ hay không phụ thuộc vào mức độ chính quyền ông Trump làm suy yếu uy tín của nước này và liệu Fed có giảm bớt quy mô nới lỏng định lượng hay không.

Triển vọng về việc đồng CNY sẽ thay thế USD trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới vẫn không có khả năng. Tỷ lệ đồng CNY các NHTW toàn cầu dự trữ là khoảng 2%, trong đó ¼ do Nga nắm giữ.

Tham khảo SCMP

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên