Các công ty dầu mỏ lớn đổ hàng triệu USD để mua quảng cáo “xanh” của Google
Google đang hỗ trợ các công ty dầu mỏ lớn xanh hóa danh tiếng của doanh nghiệp bằng cách bán những quảng cáo gắn với các cụm từ tìm kiếm về môi trường, theo một nghiên cứu mới được công bố.
- 07-11-2022Bao nhiêu tuổi thì được đăng ký tài khoản định danh điện tử online thông qua ứng dụng VNeID?
- 06-11-2022Nếu vẫn đang dùng CMND 9 số, người dân cần lưu ý những điều sau
Bạn đã bao giờ tìm kiếm một vấn đề liên quan đến tính bền vững môi trường và thấy một quảng cáo từ một hãng khai thác nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường ở trang đầu kết quả chưa? Đó không phải là sai sót kỹ thuật.
Theo một báo cáo mới của Trung tâm Chống lại Sự căm thù kỹ thuật số "Center for Countering Digital Hate" (CCDH), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên chống lại những thông tin sai lệch trực tuyến, Google đã chấp nhận 24 triệu USD (24,2 triệu euro) cho việc mua quảng cáo tìm kiếm từ ngành dầu mỏ trong 2 năm qua.
40% số tiền này được chi cho các quảng cáo, định hướng những người dùng tìm kiếm các thuật ngữ môi trường như "thân thiện với môi trường" và "không phát thải ròng".
Imran Ahmed, Giám đốc điều hành CCDH cho biết, công cụ tìm kiếm đang "soi sáng" những người muốn tìm hiểu về biến đổi khí hậu. Ông nói: "Greenwashing là chìa khóa trong chiến lược của Big Oil (Doanh nghiệp Dầu lớn) nhằm trì hoãn sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của cộng đồng xã hội. Google đang cho phép các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch thống trị hệ sinh thái thông tin để thu lợi nhuận bằng sự lừa dối".
Các tập đoàn khai thác dầu lớn sử dụng những cụm từ tìm kiếm của Google như thế nào?
Google thu lợi nhuận bằng phương pháp bán không gian quảng cáo ở đầu trang kết quả tìm kiếm. Những quảng cáo này được đánh dấu bằng ký hiệu ‘Add’ nhỏ, nhưng trông gần giống với phần còn lại của kết quả tìm kiếm.
Theo một nghiên cứu năm 2022, hơn 2/3 (68,2%) số người không thể phân biệt được sự khác biệt giữa quảng cáo và các cụm từ tìm kiếm thông thường.
CCDH đã phân tích 32.000 quảng cáo do British Petroleum (BP), ExxonMobil, Chevron, Shell và Aramco trả tiền từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2022. Các quảng cáo này có thể đã được xem hơn 58 triệu lần, các tác giả của bản báo cáo tuyên bố.
Ví dụ về sự xuất hiện các thương hiệu khai thác dầu khí lớn trong một tìm kiếm về năng lượng tái tạo. Ảnh euronews
BP đã chi tiêu nhiều nhất vào nỗ lực nhắm mục tiêu đến các truy vấn tìm kiếm "xanh, bền vững", trả cho Google 5,3 triệu USD (5,34 triệu euro) để cung cấp các quảng cáo về công ty.
Sau đó là ExxonMobil, chi 4 triệu USD (4,04 triệu euro), Shell chi 1,2 triệu USD (1,21 triệu euro). Aramco chi 317.710 USD (320.000 euro) và Chevron chi 112.854 USD (114.000 euro).
Những chi phí này hướng đến mục tiêu, mỗi công ty thường đảm bảo kết quả tìm kiếm ở trang đầu khi người dùng tra cứu thông tin về " những công ty thân thiện với môi trường ", "cách giảm phát thải khí nhà kính" và "ưu và nhược điểm của hiệp định khí hậu Paris"….
Các quảng cáo đôi khi mâu thuẫn với những chính sách mà các doanh nghiệp khai thác dầu khí gây ô nhiễm lớn theo đuổi. Ví dụ, những tài liệu kế hoạch chính thức của ExxonMobil giả định rằng lượng khí thải sẽ vượt quá mục tiêu của hội nghị Paris - nhưng công ty đã chi tiền nhắm mục tiêu vào những nội dung ủng hộ hiệp định Paris cho những người tìm kiếm trên Google.
Công ty dầu mỏ Aramco của Ả rập Xê út - một trong những doanh nghiệp phát thải carbon lớn nhất trên thế giới, gắn vào những quảng cáo của Google, tự xác định là "một trong những doanh nghiệp phát thải carbon thấp nhất trong ngành dầu khí".
BP đã đưa ra những quảng cáo, làm nổi bật cam kết của công ty về việc "không thiêu đốt theo thông lệ". Thiêu đốt theo thông lệ liên quan đến việc doanh nghiệp đốt cháy khí tự nhiên không mong muốn, thoát ra trong quá trình khai thác dầu thô.
Nhưng BBC trong một cuộc điều tra năm 2022 phát hiện được, BP và các công ty dầu mỏ khác đã khai báo thiếu lượng khí mê-tan thải ra do thiêu đốt khí tự nhiên tại các mỏ dầu.
Google cần phải cấm những thông tin sai lệch này, các tác giả của báo cáo kêu gọi. "Google không chỉ đồng lõa trong chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch mới nhất của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, mà còn tích cực thu lợi từ sự dối trá này," Ahmed nói.
Năm 2021, Google công bố chính sách mới, cấm những quảng cáo có "nội dung mâu thuẫn với những kết luận có sự đồng thuận khoa học về sự tồn tại và nguyên nhân của biến đổi khí hậu".
Google khẳng định, không có quảng cáo nào bị các nhà nghiên cứu gắn cờ đã vi phạm chính sách này.
Michael Aciman, Giám đốc các vấn đề công tại Google cho biết: "Năm 2021, chúng tôi đưa ra một chính sách mới mang tính dẫn đầu trong lĩnh vực tìm kiếm, nghiêm cấm và ngăn chặn các quảng cáo quảng bá, tuyên bố sai sự thật về sự tồn tại và nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Khi phát triển chính sách này, chúng tôi đã làm việc và tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và các nguồn thông tin có thẩm quyền về chủ đề khoa học khí hậu ",.
"Khi chúng tôi tìm thấy nội dung vượt qua ranh giới từ những cuộc tranh luận về chính sách hoặc những cuộc thảo luận tiêu cực về các sáng kiến xanh hoặc những tuyên truyền bác bỏ sự biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ xóa những quảng cáo đó khỏi hiển thị kết quả tìm kiếm."
Các công ty dầu mỏ lớn có thực sự theo đuổi sự bền vững?
5 công ty mà CCDH điều tra đều cùng chịu trách nhiệm về 14,4% lượng khí thải nhà kính toàn cầu kể từ năm 1965.
Tất cả các doanh nghiệp này đều tuyên bố tham vọng phát thải nhà kính bằng không vào năm 2050. Nhưng những email nội bộ bị rò rỉ và các báo cáo giả định kinh doanh sản xuất đã buộc các nhà vận động bảo vệ môi trường đặt dấu hỏi về những mục tiêu đã cam kết này.
Ví dụ: hướng dẫn PR nội bộ năm 2020 yêu cầu nhân viên hiểu rõ mục tiêu phát thải thuần 0 là "tham vọng chung đối với thế giới" chứ không phải là "mục tiêu hay mục đích đạt được của Shell".
Một loạt email rò rỉ của ExxonMobil cho thấy, doanh nghiệp không chắc chắn về công nghệ phát triển bền vững của chính công ty, cho phép sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo biển.
Theo Euronews
Viettimes