Các công ty đổ xô tích trữ hàng hoá, giá cước container tiếp tục tăng vọt
Những "nút thắt cổ chai" dai dẳng trên chuỗi cung ứng đang khiến cước phi vận chuyển tăng vọt. Các chuyên gia trong ngành cho rằng tình hình sẽ không thể cải thiện trước năm 2022.
- 13-06-2021Giá cước container tăng vượt tầm kiểm soát, chuẩn bị cho kịch bản giá mọi loại hàng hóa tăng vọt
- 28-05-2021Cước phí vận chuyển container từ Á sang Âu tăng gần 500% sau 1 năm
- 27-04-2021Số vụ tai nạn tăng đột biến, các container trị giá hàng chục triệu USD chìm nghỉm dưới đáy biển
- 27-03-2021Cần bao lâu để dỡ hết container trên ‘siêu tàu’ đang mắc cạn ở Suez?
Giá cước vận chuyển container từ châu Á sang Mỹ và châu Âu đang tăng nhanh kỷ lục. Theo chỉ số giá toàn cầu do công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants (có trụ sở tại London) thống kê, trung bình giá cước vận chuyển 1 container kích thước 40 foot đã tăng hơn gấp 4 lần so với 1 năm trước, lên 8.399 USD. Kể từ tuần đầu của tháng 5, chỉ số này đã tăng 53,5%.
Giá cước container từ Trung Quốc đến các cảng lớn ở châu Âu và bờ Tây nước Mỹ đã lên đến gần 12.000 USD. Một số công ty cho biết họ thậm chí phải trả mức giá 20.000 USD nếu như đàm phán vào phút chót trước khi hàng hoá được chất lên tàu.
"Nếu bạn muốn đặt chỗ trước, cần lên kế hoạch trước ít nhất 2 tháng. Tất cả mọi người đều đang nắm lấy cơ hội ngay khi có thể", Brian Bourke, lãnh đạo của Seko Logistics, công ty giao nhận vận tải có trụ sở tại Mỹ xử lý một khối lượng lớn hàng hoá qua lại giữa hai bờ Thái Bình Dương nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, cước vận tải biển tăng cao là kết quả của việc chuỗi cung ứng bị đứt đoạn ở nhiều điểm. Tại rất nhiều cảng và trên khắp mạng lưới phân phối trên đất liền, tình trạng tắc nghẽn liên tục xảy ra do các nhà bán lẻ và nhà sản xuất phương Tây đổ xô tích trữ hàng hoá, làm đầy lại những nhà kho đã trống trơn vì Covid-19.
Từ mùa hè năm ngoái, giá cước đã bắt đầu tăng lên vì nhu cầu tiêu dùng bắt đầu tăng sau khi các lệnh phong toả được dỡ bỏ. Tiếp đến, những sự kiện như vụ tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez hồi tháng 3 và các cảng từ Bắc California (Mỹ) đến Thiên Tân (Trung Quốc) tắc nghẽn khiến các con tàu phải lênh đênh trên biển thêm vài ngày, thậm chí vài tuần so với lịch trình. Thế giới lâm vào cảnh thiếu container trầm trọng.
Theo hãng nghiên cứu Sea-Intelligence ApS, trong 5 tháng đầu năm 2021 có tới 695 con tàu đã tới các cảng ở bờ Tây nước Mỹ trễ hơn 1 tuần so với dự kiến. Trong cả thời kỳ từ 2012 đến 2020, tổng cộng số tàu tới trễ chỉ là 1.535.
Tàu phải ở trên biển lâu hơn, container phải đợi trên cảng lâu hơn, công suất bốc dỡ hàng hoá cũng sụt giảm đáng kể. Tất cả tạo ra 1 vòng luẩn quẩn và khiến cả mạng lưới trì trệ.
Giá cước tăng cao khiến nhiều hãng vận chuyển, đặc biệt là những hãng chuyên xử lý các mặt hàng có giá trị khá thấp, phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: trả mức cước vận chuyển cao chót vót và sau đó cố gắng chuyển bớt chi phí cho khách hàng hoặc thu hẹp hoạt động ở thị trường nước ngoài.
Zhu Guojin, chuyên gia tư vấn đang làm việc tại công ty logistics Jizhi Yiwu, cho biết tháng trước hầu hết các khách hàng của công ty, trong đó có không ít công ty đang bán hàng trên Amazon và một số nhà nhập khẩu của Mỹ, đang khát hàng hoá đến mức họ sẵn sàng chịu mức cước cao chót vót.
"Năm ngoái, nhiều khách đã trì hoãn nhập hàng với hi vọng chi phí sẽ giảm xuống, nhưng điều đó không xảy ra. Giờ thì dường như hầu hết không còn quan tâm đến giá cả nữa".
Giới phân tích dự báo tình trạng thiếu container sẽ còn "nghiêm trọng" cho đến tận tết Âm lịch 2022, thời điểm mà các nhà máy Trung Quốc sẽ đóng cửa nghỉ lễ. "Không có cửa nào để mọi thứ cải thiện vào mùa mua sắm năm nay. Tình trạng sẽ chỉ xấu đi mà thôi", Philip Damas, người đứng đầu mảng tư vấn chuỗi cung ứng của Drewry nhận xét.
Tham khảo Wall Street Journal