MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Mỹ cảnh báo rủi ro mà các công ty Mỹ chưa thể lường trước từ phía Trung Quốc

25-09-2020 - 12:44 PM | Tài chính quốc tế

Có rất nhiều công ty Trung Quốc – trong nhiều ngành từ hàng không, công nghệ đến xây dựng – được hậu thuẫn bởi quân đội.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài đang hoạt động ở quốc gia này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, theo nhận định của 1 chuyên gia phân tích.

"Trung Quốc đang chuyển tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự, và tôi nghĩ đó thực sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan cho những ai muốn đầu tư vào Trung Quốc. Bạn cần phải hiểu chính xác mình đang đầu tư vào đâu và điều gì đang diễn ra", Jonathan Ward, nhà sáng lập của công ty tư vấn Atlas Organization nhận xét.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc diễn đàn Jefferies Asia Forum tuần trước, ông Ward cho rằng có rất nhiều công ty Trung Quốc – trong nhiều ngành từ hàng không, công nghệ đến xây dựng – được hậu thuẫn bởi quân đội.

Khi ranh giới giữa nhà nước và doanh nghiệp mờ đi, các nhà đầu tư sẽ khó biết chính phủ Trung Quốc có quyền kiểm soát bao nhiêu đối với công ty cũng như mức độ độc lập của công ty đến đâu.

Trung Quốc muốn 1 đội quân hùng mạnh

Gần đây Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng và hiện mức chi của Trung Quốc đã lớn hơn tất cả các nước láng giềng cộng lại. Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển của quân đội Trung Quốc nhận định lục quân, hải quân, không quân và cả lực lượng tên lửa của Trung Quốc hiện đều thuộc nhóm lớn nhất thế giới.

"Năm 2019, Trung Quốc cho biết ngân sách dành cho quốc phòng hàng năm sẽ tăng 6,2%, tiếp tục kéo dài chuỗi 20 năm liên tiếp tăng chi ngân sách cho quốc phòng và giữ vững vị thế là nước chi cho quốc phòng nhiều thứ 2 thế giới".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nêu rõ mục tiêu xây dựng 1 đội quân hùng mạnh có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Bắc Kinh cũng tuyên bố Mỹ là 1 mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.

Theo Ward, câu hỏi ở đây là Trung Quốc công khai đối đầu để làm gì? Và Trung Quốc sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? Không chỉ là quân sự mà kinh tế cũng đã trở thành 1 mặt trận, và "đội quân" của Trung Quốc trên mặt trận này là các tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước hoặc được nhà nước chống lưng.

Rất nhiều ngân hàng quốc tế đang muốn mở rộng hoạt động ở Trung Quốc bất chấp những rủi ro địa chính trị mà họ có thể gặp phải. "Liệu họ đã thực sự đánh giá đúng những rủi ro chính trị đó?", Ward đặt câu hỏi. Bên cạnh đó các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ còn phải tuân thủ những mục tiêu dài hạn về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ.

Kishore Mahbubani, chuyên gia tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định có một yếu tố chủ chốt sẽ quyết định kết quả của cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai cường quốc cũng như cách các quốc gia khác sẽ phản ứng với cuộc đối đầu này. "Trong giai đoạn chiến tranh lạnh Mỹ - Nga, Mỹ có nhiều đồng minh mạnh hơn như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và cả những nước đang phát triển. Còn hiện trạng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày nay không như vậy. Hầu hết các nước trên thế giới sẽ không vội vã chọn Mỹ, hoàn toàn chống lại Trung Quốc hay ngược lại. Phản ứng chung sẽ là: "Hãy tránh làm đảo lộn thế giới khi mà Covid-19 đang hoành hành như hiện nay".

Theo Ward, để chiến thắng Trung Quốc, điều mà Mỹ cần làm là giữ vững vị trí nền kinh tế số 1 thế giới. Các công ty Mỹ cũng phải chiến thắng các công ty Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Duy trì lợi thế về quân sự trước Trung Quốc cũng là điều quan trọng, ông bổ sung thêm.

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Tổ Quốc

Từ Khóa:
Trở lên trên