MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đại gia gỗ Việt sẽ giải bài toán 10 tỷ đô thế nào khi sản lượng gỗ nội không cao, còn chất lượng lại quá thấp?

17-03-2017 - 09:37 AM | Thị trường

Nếu không có một kế hoạch kỹ lưỡng và bài bản ngay từ bây giờ, hẳn không thành viên nào của ngành gỗ Việt muốn để đối thủ cạnh tranh thay mình khai thác “miếng bánh” hấp dẫn còn đang bỏ ngỏ này.

2016, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động, ngành gỗ Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng 7 tỷ USD, đứng top 5 các mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia.

Không dừng lại ở đó, với những tín hiệu khả quan khi Việt Nam đang tham gia tích cực vào các hiệp định song phương và đa phương, cộng với nhu cầu thị trường thế giới khá lớn (khoảng 400 tỷ USD) và cơ chế thông thoáng về thuế quan, ngành gỗ đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào 2020.

Dư địa để phát triển là rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu các doanh nghiệp gỗ có khai thác được hết tiềm năng của mình?

Bài toán thị trường

Để đạt được mục tiêu tham vọng này, từ nhu cầu hiện tại khoảng 30 triệu m3 gỗ/năm, ngành gỗ cần thêm 4 - 5 triệu m3 gỗ/năm. Tuy nhiên nguồn gỗ từ thị trường trong nước chỉ cung cấp được 20 triệu m3, phần còn lại các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu.

Đây là một thách thức về nguồn cung không nhỏ khi các quốc gia cung ứng chủ yếu cho Việt Nam như Lào, Campuchia và Myanmar đã thay đổi chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng còn Trung Quốc cũng đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên tạo nên sức ép cạnh tranh thu mua nguyên liệu khá lớn.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Trong tương lai, đầu tư của các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhanh chóng. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp Trung Quốc để đàm bảo nguồn nguyên liệu gỗ cho sản xuất”

Thêm vào đó, với 20 triệu m3 gỗ của thị trường trong nước, chất lượng gỗ rừng trồng cũng còn nhiều hạn chế như đường kính nhỏ, phân cành sớm, năng suất tính trên 1 hecta/chu kỳ chưa cao và mới chỉ có 8% diện tích rừng trồng trên 200.000 hecta được cấp chứng chỉ FSC cũng là một áp lực không nhỏ đối với ngành, khi các năm tới các doanh nghiệp gỗ phải đảm bảo 100% gỗ có chứng chỉ này.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), các yếu tố thuộc về nhân lực như nguồn nhân lực yếu, tay nghề kém khiến cho khả năng cạnh tranh lao động của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam thấp hơn. Mặt khác, khi hội nhập, lao động giữa các nước trong khối ASEAN sẽ có sự dịch chuyển cao, làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Lời giải từ tự thân doanh nghiệp

Thực tế, ngành gỗ Việt được đánh giá khá mạnh trong khu vực ASEAN nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt vẫn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (90% doanh nghiệp) nên khó cạnh tranh về giá xuất khẩu.

Để có thể chủ động tận dụng được những lợi thế của ngành, theo ông Nguyễn Phúc, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường chính xác, đầu tư đổi mới công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo sử dụng gỗ có nguồn gốc rõ ràng. Cần nhất là thay đổi tư duy sản xuất, từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng sức cạnh tranh cho cả ngành. Kêu gọi đầu tư nước ngoài giúp giá trị kim ngạch gỗ tăng cũng là một biện pháp tốt.

Một thực tế không chỉ ở ngành gỗ mà ở nhiều ngành sản xuất của Việt Nam là các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô và nhập khẩu thành phẩm. Để có thể phát huy tối đa giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ cần hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, thay vào đó, nên đầu tư cải tiến mẫu mã, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình với chất lượng và giá cả phù hợp, kết hợp với nhà cung cấp phụ tùng/nguyên liệu để chuyển giao công nghệ.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Viện nghiên cứu Thương mại Bộ Công thương, các doanh nghiệp gỗ nên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm gỗ xuất thông qua việc xây dựng các chương trình quảng bá về gỗ Việt Nam với vị thế là quốc gia cung cấp sản phẩm gỗ chất lượng cao, chế biến tinh xảo, tiện dụng và đặc biệt là sử dụng gỗ hợp pháp, bền vững ở các thị trường lớn.

Đồng thời doanh nghiệp nên chủ động đổi mới công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu, đánh giá xu hướng thị trường, tìm kiếm đối tác theo hướng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước để mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ.

Kết

2017 mới chỉ đi qua 2 tháng đầu năm, vẫn còn khá sớm để biết đáp số cho bài toán chiến lược phát triển ngành trong 2017 nói riêng và câu chuyện 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu 2020 nói chung. Nhưng nếu không có một kế hoạch kỹ lưỡng và bài bản ngay từ bây giờ, hẳn không thành viên nào của ngành gỗ Việt muốn để đối thủ cạnh tranh thay mình khai thác “miếng bánh” hấp dẫn còn đang bỏ ngỏ này.

Theo Đàm Linh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên