MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "đại gia" Hàn Quốc liên tục đổ bộ vào thị trường tài chính ngân hàng Việt

24-12-2018 - 07:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, số khác lại gia nhập thị trường để cạnh tranh trực tiếp với các định chế tài chính bản địa ở Việt Nam.

Cuối tuần vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) đã tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng đặt mua cổ phần với Hyundai Marine & Fire Insurance Company Limited (HMFI). Theo đó, HMFI sẽ mua 25% vốn điều lệ của VBI, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là hơn 16,6 triệu cổ phần. Sau phát hành, vốn điều lệ của VBI được nâng lên hơn 666,6 tỷ đồng. Cũng tại sự kiện này VietinBank, ngân hàng đang sở hữu phần lớn tại VBI đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với HMFI.

Phía VBI cho biết, với thương vụ hợp tác này, VBI sẽ có được lợi thế từ mối quan hệ sẵn có của HMFI để phát triển các khách hàng và đối tác Hàn Quốc Việt Nam.

Đối tác của VBI là HMFI, được biết đến cũng là một "ông lớn" lĩnh vực bảo hiểm ở xứ sở Kim Chi với thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 2.

Một thương vụ có giá trị lớn khác đang được thị trường chờ đợi là giữa BIDV và KEB Hana bank, ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 2 ở Hàn Quốc. Tháng 10 vừa qua, BIDV đã lấy ý kiến cổ đông về việc sẽ bán 17,65% cổ phần (tương đương 15% sau khi tăng vốn) cho KEB Hana Bank. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 603 triệu cổ phần. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng.

Thị trường bảo hiểm, ngân hàng Việt Nam vẫn đang tỏ ra có sức hút lớn với các tổ chức tài chính lớn ở Hàn Quốc. Một số đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, như 2 trường hợp nói trên, một số khác lại gia nhập thị trường để cạnh tranh trực tiếp với các định chế tài chính bản địa thông qua việc mua đứt các công ty tài chính hoặc thành lập mới.

Chẳng hạn ngày 18/12 vừa qua, Công ty tài chính Lotte Việt nam đã chính thức gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng với sản phẩm đầu tiên là vay tiêu dùng tín chấp. Lotte đã phải chi trả hơn 1.700 tỷ đồng để mua lại TechcomFinance vào hồi tháng 3/2018 trước đó. Với sự hậu thuẫn lớn từ tập đoàn mẹ, "tay chơi" này cũng muốn phát triển thêm cho vay trả góp, thẻ tín dụng trong thời gian tới, trong đó thẻ tín dụng dự kiến bắt đầu vào nửa đầu năm 2019.

Tính đến nay, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã có 2 ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc là Shinhan Bank và Woori Bank. Cả 2 đều tiếp tục được rót vốn và mở rộng mạng lưới trong thời gian gần đây. Trong đó, hồi tháng 9, Woori Bank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, phương án tăng vốn đã được ngân hàng mẹ ở Hàn Quốc thông qua, đồng thời ngân hàng cũng đã được NHNN cho phép mở thêm 5 chi nhánh và 1 PGD.

Trong khi đó, sự hiện diện của Shinhan Bank ở thị trường thẻ tín dụng Việt Nam đang ngày càng rõ nét sau khi nhà băng này hoàn tất mua lại mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ cuối năm 2017. Ngân hàng này cũng mở thêm 4 chi nhánh tại Việt Nam, nâng tổng số điểm giao dịch lên 30 điểm trên cả nước.

Một tập đoàn tài chính Hàn Quốc khác có chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam là Kookmin cũng đang muốn mở rộng hoạt động. Trong một cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hồi đầu tháng 9, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục mở chi nhánh tại Hà Nội và sẽ đầu tư hơn 110 triệu USD. Trước đó, trong năm 2017, Kookmin cũng đã bỏ ra hơn 30 triệu USD để thâu tóm chứng khoán Maritimebank .

Sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư xứ Kim chi đang lan rộng ở Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn về công nghệ, bán lẻ….hay thậm chí là văn hóa, thể thao, du lịch.

Theo Bộ Kế hoạch đầu tư, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2018, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2 sau Nhật Bản với 3.418,1 triệu USD, chiếm 21,6% vốn đăng ký cấp mới; bỏ xa phía sau là Singapore 1.111,1 triệu USD, chiếm 7%; Trung Quốc 892,9 triệu USD, chiếm 5,7%,...


Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên