MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các đại gia xăng dầu thế giới thu lợi nhuận khủng trong khi người tiêu dùng phải chịu giá cao

03-11-2022 - 13:05 PM | Thị trường

Ảnh: NYT

Ảnh: NYT

Nhờ vào giá năng lượng tăng cao, các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đã thu về khoản lãi lớn chưa từng có.

Theo tờ Financial Times, lợi nhuận của hai trong số các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đã tăng mạnh trong năm nay nhờ giá năng lượng tăng cao. Đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy lạm phát toàn cầu và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu.

Cụ thể, trong quý 3 năm nay, Saudi Aramco lãi ròng 42,4 tỷ USD - mức lãi lớn nhất kể từ khi công ty quốc doanh này bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2019. Lợi nhuận của BP tăng hơn gấp đôi, đạt 8 tỷ USD trong quý 3, giúp công ty biến 2022 là một trong những năm có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.

Vị tỷ phú Elon Musk từng cho biết "Vốn hoá Tesla sẽ vượt xa cả Apple và Aramco cộng lại" khi Tesla công bố kết quả tài chính quý 3/2022.

Được biết, trong quý 3/2022, Tesla ghi nhận doanh thu 21,45 tỷ USD, lãi ròng tăng mạnh lên 3,33 tỷ USD, gấp đôi so với mức 1,62 tỷ USD của cùng kỳ. Có thể thấy so với lãi ròng lên tới 42,4 tỷ USD của Saudi Aramco, tương lai mà vị tỷ phú này mong muốn vẫn còn rất xa vời, đặc biệt là khi giá năng lượng tăng mạnh trong thời gian qua.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu. Giá dầu thô hiện đã giảm từ mức cao nhất 14 năm thiết lập hồi đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn trung bình lịch sử. Gần đây, giá dầu dao động quanh ngưỡng 90 USD/thùng, được hỗ trợ lớn bởi quyết định cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày của tổ chức OPEC+ đưa ra hồi tháng 10.

Các đại gia xăng dầu thế giới thu lợi nhuận khủng trong khi người tiêu dùng phải chịu giá cao - Ảnh 1.

Shell và BP cũng là 2 công ty dầu khí nhận được nhiều lợi ích từ giá năng lượng tăng cao.

Ở châu Âu và Mỹ, các công ty dầu khí đang trở thành đối tượng hứng chịu sự chỉ trích của các chính phủ. Lãnh đạo các quốc gia này đang cân nhắc áp thêm thuế lên doanh nghiệp dầu khí nhằm bù đắp sự thiếu hụt ngân sách quốc gia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc các công ty dầu khí “trục lợi” từ cuộc xung đột ở Ukraine và cảnh báo sẽ thúc đẩy dự luật mới để đánh thuế thêm trừ khi các công ty này có biện pháp để kéo giá bán lẻ xăng dầu xuống.

Tuần trước, một hãng dầu lửa Mỹ khác là ExxonMobil báo lãi quý lớn kỷ lục gần 20 tỷ USD. Hai hãng Shell và Chevron của Mỹ cũng đã công bố khoản lãi quý lớn thứ hai trong lịch sử mỗi công ty, lần lượt đạt 9,5 tỷ USD và 11,2 tỷ USD trong quý 3 vừa qua.

Tại Anh, tân thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt đang tìm biện pháp tăng cường đánh thuế nhằm vào các công ty dầu mỏ, sau khi Shell và BP đạt được lợi nhuận bội thu.

BP đã cam kết mua lại thêm 2,5 tỷ USD cổ phiếu trong quý 4 năm nay, nâng tổng mức mua cả năm lên hơn 10 tỷ USD. Công ty cho biết sẽ đóng khoảng 2,5 tỷ USD tiền thuế từ hoạt động khai thác dầu trên Biển Bắc trong năm nay, bao gồm khoảng 800 triệu USD tiền thuế mà Chính phủ Anh đánh vào lợi nhuận vượt trội của của doanh nghiệp dầu khí.

Giám đốc tài chính Murry Auchincloss của BP nói với Financial Times rằng “cứ 2 USD trong số 3 USD chúng tôi kiếm được ở Biển Bắc sẽ được nộp cho Chính phủ”. Ông nhấn mạnh rằng “đây là một thời điểm rất khó khăn đối với mọi người”.

Các đại gia xăng dầu thế giới thu lợi nhuận khủng trong khi người tiêu dùng phải chịu giá cao - Ảnh 2.

Các nước phương Tây đang bị giằng co giữa việc cố gắng hạn chế doanh thu của Nga với việc lo sợ đánh mất dầu Nga có thể gây ra tăng giá.

Mức nộp thuế của BP vượt xa đối thủ đồng hương Shell. Tuần trước, Shell cho biết các khoản đầu tư mới và chi phí hoàn nguyên ở Biển Bắc đồng nghĩa công ty không phải đóng thuế ở Anh trong năm nay, cho dù lợi nhuận toàn cầu của công ty đạt hơn 30 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Dù vậy, CEO Ben van Beurden của Shell nói rằng ngành dầu lửa nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc đóng thuế nhiều hơn.

Các nước phương Tây cũng đang bị giằng co giữa việc cố gắng hạn chế doanh thu của Moscow sau xung đột tại Ukraine và lo ngại rằng việc mất dầu của Nga có thể gây ra sự tăng giá khi các nước đang vật lộn với lạm phát do năng lượng thúc đẩy.

Theo nhà kinh doanh năng lượng độc lập lớn nhất thế giới, xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm tới 1 triệu thùng/ngày trong mùa đông này ngay cả khi nước này mở rộng “đội tàu chở dầu” trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Tham khảo: FT

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên