MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các địa phương tiếp tục kiểm soát “sốt” đất

21-05-2021 - 09:30 AM | Bất động sản

Các địa phương tiếp tục kiểm soát “sốt” đất

Với sự vào cuộc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, giá đất và thị trường bất động sản của các cơ quan quản lý bộ, ngành, địa phương, tình trạng sốt đất ở các tỉnh/thành đã hạ nhiệt, giá đất dần đi vào ổn định…

Để tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi, nhiều tỉnh/ thành phố tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt.

CÁC TỈNH TIẾP TỤC VÀO CUỘC 

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 6422/UBND-KTTC về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Hơn 1 tháng trước, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành một văn bản liên quan tới vấn đề này.

Trong công văn thứ 2 này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, bất động sản mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép...

Đặc biệt, công văn chỉ rõ giao Công an tỉnh tăng cường công tác phòng chống, đấu tranh với các hành vi giao dịch đất đai, bất động sản trái quy định nhà nước. Kịp thời xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tạo hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất, giá bất động sản để trục lợi.

Cùng với Thanh Hóa, gần đây tiếp tục có nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Lai… đã quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất, thị trường bất động sản...

Cụ thể, trong Chỉ thị số 13 ngày 7/5/2021, UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều giao dịch về đất đai, có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại nhiều lần tại cùng một thửa đất, một vị trí khiến giá giao dịch trở nên cao bất thường tại một số quận, huyện: Dương Kinh, Hải An, Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy… Đây là hoạt động “làm thị trường” để tạo “sốt đất” của một nhóm nhà đầu tư có tổ chức, có kịch bản đã chuẩn bị sẵn, hoạt động bài bản, lợi dụng các thông tin về quy hoạch nhằm tạo “cơn sốt đất ảo” để kiếm lời...

Trước thực trạng này, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện công bố công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh; đề xuất giải quyết các vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất; công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng; công khai danh sách chủ đầu tư có vi phạm về đất đai; các chủ dự án nợ đọng nghĩa vụ tài chính về đất đai...

Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản, thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch phát triển đô thị…

Công an thành phố được giao theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, “sốt ảo”; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lợi…

GIÁM SÁT THỊ TRƯỜNG, XỬ LÝ NGHIÊM VI PHẠM

Thực tế những tháng sau Tết Nguyên đán, đặc biệt cuối quý 1/2021, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: thành phố Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất…), thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Thủ Đức), thành phố Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Tuy nhiên, sau khi các bộ, ngành cũng như địa phương vào cuộc, tình trạng “sốt đất ảo” đã dần hạ nhiệt. Tại một số địa phương như Thanh Hóa, sau khi có yêu cầu về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật…

Chia sẻ về việc ngăn chặn tình trạng sốt giá đất tại nhiều địa phương thời gian qua, một chuyên gia về đất đai đánh giá, tình trạng sốt đất đã chững lại. Đặc biệt sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn yêu cầu, các tỉnh thành phố có chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, về giá đất trên địa bàn thì tình hình sốt đất đã dần được khắc phục.

Trước đó, tại buổi họp báo, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng khẳng định, khi các thông tin về quy hoạch và giá đất được công khai thì tình trạng sốt đất đã hạ nhiệt.

Từ thực tế tình trạng sốt đất diễn ra ở các địa phương, một số chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ việc khung giá đất được các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng. Thêm vào đó, thời gian qua, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh... Ngoài ra một yếu tố quan trọng khác gây ra tình trạng sốt là do "cò" đất và thông tin không đúng sự thật về quy hoạch, phát triển dự án...

Để khắc phục triệt để tình trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn…) để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch…

Theo Đỗ Phong

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên