MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN khối sản xuất và Dịch vụ công nghiệp đang tập hợp ý kiến về 2 nhóm giải pháp "cấp cứu khẩn cấp"

02-09-2021 - 16:38 PM | Doanh nghiệp

DN khối sản xuất và Dịch vụ công nghiệp đang tập hợp ý kiến về 2 nhóm giải pháp "cấp cứu khẩn cấp"

Đây là giải pháp nhằm "cấp cứu khẩn cấp" cho các Doanh nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng nặng do tình hình giãn cách kéo dài và những hậu quả chưa lường được hết sau dịch bệnh.

Các Doanh nghiệp khối sản xuất và Dịch vụ công nghiệp đang tập hợp ý kiến để gửi kiến nghị đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Thủ Tướng Chính Phủ, các Bộ ngành và các Cơ quan liên quan nhằm "cấp cứu khẩn cấp" cho các Doanh nghiệp đã và đang bị ảnh hưởng nặng do tình hình giãn cách kéo dài và những hậu quả chưa lường được hết sau dịch bệnh. Đại diện ban soạn thảo và liên hệ là ông Trương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Thiết bị TAT. Được biết, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp ký vào bản kiến nghị này.

Các giải pháp kiến nghị được chia thành hai nhóm:

1. Nhóm kiến nghị về Hỗ trợ Tài chính: đây là nhóm kiến nghị chính giúp các doanh nghiệp "cầm cự" trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội và có cơ hội phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

2. Nhóm kiến nghị về Hoạt động: đây là nhóm kiến nghị then chốt nhằm giúp cho các doanh nghiệp "chung sống với dịch bệnh" và khôi phục lại hoạt động sản xuất – kinh doanh từ kinh nghiệm các nước.

Cụ thể:

NHÓM I

Kiến nghị về hỗ trợ tài chính

1) Hỗ trợ trả Lương nhân viên:

Hỗ trợ lãi suất 100% cho Doanh nghiệp đối với các khoản vay trả lương cho nhân viên và bảo lãnh tín chấp cho các Doanh nghiệp không còn hạn mức vay để trả lương cho nhân viên. Áp dụng từ tháng 7/2021 cho đến sau 3 tháng kể từ ngày các lệnh giãn cách được bãi bỏ.

Thủ tục kiến nghị:

i. Áp dụng cho các Doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh lỗ lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay.

ii. Doanh nghiệp chỉ cần chứng minh báo cáo tài chính, chứng từ vay trả lương cho nhân viên.

2) Hỗ trợ mức đóng BHXH:

Kiến nghị miễn giảm 100% mức đóng BHXH và chi phí Công đoàn cho Doanh nghiệp. Áp dụng từ tháng 8/2021 cho đến sau 3 tháng kể từ ngày các lệnh giãn cách được bãi bỏ.

3) Hỗ trợ thuế:

Kiến nghị giãn các khoản nợ thuế tối thiểu 06 tháng kể từ ngày đến hạn.

4) Hỗ trợ các khoản vay ngân hàng:

Kiến nghị khoanh gốc và lãi ngân hàng tối thiểu 6 tháng kể từ ngày Chính phủ công bố hết dịch và không thay đổi nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay và tăng hạn mức cho vay với tài sản đảm bảo hiện có.

5) Gói hỗ trợ bằng tiền mặt:

Kiến nghị gói hỗ trợ khẩn cấp cho Doanh nghiệp bằng tiền mặt trong khi chờ đợi các gói hỗ trợ khác để giải quyết vấn đề cấp bách, theo hình thức hoàn lại cho Doanh nghiệp 50% số tiền BHXH đã nộp từ năm 2020 đến nay.

Thủ tục kiến nghị:

1. Doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tuyến đến BHXH danh sách nhân sự và mức đã đóng từ năm 2020 đến thời điểm gần nhất. Doanh nghiệp tự tính toán mức được hỗ trợ bằng 50% để cơ quan chi trả kiểm tra.

2. Kiến nghị chi trả trước (kiểm tra sau) cho Doanh nghiệp trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ.

NHÓM II

Kiến nghị về hoạt động

6) Được hoạt động khi đạt 70% nhân viên tiêm vaccine

Cho phép các Doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động khi tỷ lệ tiêm vaccine trong doanh nghiệp từ 70% trở lên và/hoặc đối với nhóm nhân viên đã được chích vaccine. Theo các DN này, tỷ lệ 70% đề nghị bao gồm việc chích một hoặc hai mũi. Thực tế từ các nước cho thấy kể cả đã chích đủ 2 mũi vẫn có thể nhiễm Covid với các biến chủng mới. Chính vì vậy Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp "sống chung" với dịch để đồng hành cùng Chính phủ.

Thủ tục kiến nghị:

1. Doanh nghiệp nộp danh sách nhân sự cho cơ quan có thẩm quyền chứng minh tỷ lệ tiêm vaccine của doanh nghiệp đạt từ 70% trở lên.

2. Doanh nghiệp phải có cam kết về việc tuân thủ 5K và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo qui định.

7) Vaccine cho Doanh nghiệp

Kiến nghị ưu tiên phân bổ vaccine về cho các Doanh nghiệp để đạt mức 70%. Doanh nghiệp được chủ động dùng Phương pháp "test" nhanh mà không phải thông qua các cơ sở y tế.

Trước đó, vào giữa tháng 7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã có thư kiến nghị tới TP, mong muốn giải quyết một số vấn đề về vaccine, xét nghiệm Covid-19 đối với các doanh nghiệp (DN) trong đó có việc tầm soát nhanh cho các DN thực hiện "3 tại chỗ".

8) Hoạt động trở lại khi Doanh nghiệp có ca nhiễm

Đối với các Doanh nghiệp có ca nhiễm F0, sau khi thực hiện các biện pháp theo Công văn số 3475/KH-TTKSBT ngày 08/08/2021[6] của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Kiến nghị áp dụng với các Doanh nghiệp sản xuất khác.

9) Tháo dỡ rào cản lưu thông hàng hóa

Tháo dỡ các rào cản về thông thương Xuất Nhập Khẩu (XNK) và lưu thông hàng hóa nội địa Bãi bỏ việc xin phép đi đường đối với hàng hóa của Doanh nghiệp khi lưu thông nội địa. Cho phép các Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về lưu thông hàng hóa để khôi phục lại sản xuất.

Theo Hải Yến

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên