Các đoạn còn lại của đường vành đai 2 TPHCM đang được đẩy nhanh tiến độ
Áp lực giao thông nội thành ngày càng lớn do tốc độ gia tăng dân số chóng mặt, các đoạn còn lại của đường vành đai 2 đang được TPHCM gấp rút đẩy nhanh tiến độ để giải quyết tình trạng này.
Vành đai 2 là tuyến đường đô thị cấp 1 khép kín theo vòng tròn ôm lấy thành phố từ phía ngoài, với mục đích giảm tải áp lực giao thông lên các tuyến nội đô và rút ngắn thời gian di chuyển giữa miền đông - miền tây. Thời gian các xe đi từ Thủ Đức, Quận 9 hướng về miền tây sẽ được giảm thiểu đáng kể, không phải đi xuyên trung tâm thành phố. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn TP.HCM có tổng chiều dài 69,2km chạy qua 9 quận huyện: 2, 7, 8, 9, 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân.
Tính đến tháng 12 năm 2019, hơn 54km đã được hoàn thành. Cụ thể các tuyến đường từ nút giao thông Gò Dưa đến An Sương (14km tuyến quốc lộ 1A), từ An Sương đi An Lạc (14km tuyến quốc lộ 1A), đoạn Nguyễn Văn Linh trên đường vành đai 2 (14km) và đoạn từ nút giao khu A đến cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông (12,7km).
Sau nhiều năm thi công, vành đai 2 chỉ còn gần 14km chưa hoàn thành với hơn 8km ở khu phía đông là Quận 9, Thủ Đức và 5,3km ở khu phía tây thành phố là Quận 8, Bình Chánh. Theo như thông tin từ sở GTVT, phần còn lại của vành đai 2 được chia thành 4 đoạn nhỏ tương ứng với 4 dự án có tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, trong đó có 10.000 tỷ dùng cho đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trong đó có một dự án đã được duyệt và đang triển khai thi công là đoạn 3 từ nút giao thông Gò Dưa đến Phạm Văn Đồng dài 2,75km với hình thức đầu tư BT dùng quỹ đất để thanh toán.
Được đánh giá là một trong những dự án quan trọng nhất của Vành Đai 2, đoạn 1 kết nối cầu Phú Hữu với Xa Lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái, có chiều dài 3,82km và đi qua địa bàn Quận 9 và Thủ Đức. Đây là đoạn với mật độ dân cư rất cao, nút giao Bình Thái sỡ hữu một vị trí thuận lợi với khả năng kết nối nhiều khu vực. Một khi đoạn đường này hoàn thành sẽ giúp giảm bớt hơn 50% áp lực giao thông trên đường Đỗ Xuân Hợp – một tuyến đường huyết mạch và đông đúc của Quận 9. Các luồng xe hướng về cảng Cát Lái sẽ rút ngắn được thời gian và khoản cách, chia sẻ gánh nặng của Xa Lộ Hà Nội và Mai Chí Thọ. Dự án này đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu dự án khả thi, dự đoán sẽ sớm kêu gọi nhà đầu tư và triển khai thi công.
Công tác giải phóng mặt bằng đang được thực hiện ráo riết, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 được giao trọng trách này. UBND đã có văn bản 2321/UBND-ĐTMT về chủ trương thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo quỹ đất thực hiện dự án xây dựng đường nối đường vành đai phía Đông - Xa lộ Hà Nội trên địa bàn Quận 9.
Đoạn 2 dài 1,99km từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng cũng đang được TPHCM đẩy nhanh tiến độ ở khâu phê duyệt nghiên cứu dự án khả thi. Đây cũng là đoạn quan trọng của vành đai 2 khi đi ngang qua khu dân cư sầm uất của Thủ Đức, kết nối 2 tuyến huyết mạch của thành phố là Xa Lộ Hà Nội và Phạm Văn Đồng.
Khi xác định được nguồn vốn thực hiện, UBND quận Thủ Đức sẽ tiến hành các khâu giải toả mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Và dài nhất chính là đoạn thứ 4, kết nối nút giao thông An Lạc và Nguyễn Văn Linh, chạy qua Quận 8, quận Bình Tân, Bình Chánh đang ở bước trình xem xét chủ trương đầu tư. Đoạn đường này là dự án cuối cùng và cũng là tuyến khi hoàn thành sẽ kết nối liền mạch toàn bộ vành đai 2.
Các cơ quan ban ngành liên quan đang gấp rút chỉ đạo giải quyết những quy trình liên quan để đẩy nhanh thời gian thi công. Đường vành đai 2 được đưa vào vận hành càng sớm thì càng có lợi cho TPHCM, giảm thiểu được nhiều chi phí phát sinh và chia sẻ áp lực giao thông cho khu vực nội thành, tạo ra một bộ mặt mới hiện đại hơn cho Sài Gòn.
Theo quyết định phê duyệt, thời gian thực hiện dự án là 2017-2019. Thời gian hoàn thành khép kín vành đai 2 được đề ra vào cuối năm 2020. Thành phố đang chạy đua tiến độ để hoàn thành các dự án này đúng hạn.