Các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc
Họ mong muốn 2 bên sẽ đồng thuận về việc giảm thuế nhập khẩu, cho rằng đây chính là lực cản đối với nền kinh tế Mỹ.
Gần 30 tổ chức các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ - đại diện cho các nhà bán lẻ, sản xuất chip, nông sản và lĩnh vực khác, đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ. Họ mong muốn 2 bên sẽ đồng thuận về việc giảm thuế nhập khẩu, cho rằng đây chính là lực cản đối với nền kinh tế Mỹ.
Thuế quan đối với hàng điện tử, quần áo và các loại hàng hóa của Trung Quốc hiện đều được các nhà nhập khẩu Mỹ chi trả. Mức phí đó vẫn được giữ nguyên để đảm bảo rằng Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 năm 2020 với Mỹ.
Trong một bức thư gửi đến Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm thứ Năm, các nhóm doanh nghiệp cho biết Bắc Kinh đã "đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quan trọng" trong hiệp định. Họ đã mở cửa thị trường cho các định chế tài chính Mỹ và giảm bớt một số rào cản về quy định đối với xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang Trung Quốc.
Nội dung bức thư đề cập đến chính sách của chính quyền nhằm ưu tiên lợi ích của người lao động: "Một chương trình nghị sự thương mại lấy người lao động làm trọng tâm nên cân nhắc đến chi phí thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đang áp đặt lên người Mỹ. Hãy xóa bỏ các loại thuế quan gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ."
Các tổ chức thương mại này bao gồm một số hiệp hội doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng nhất của Washington, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Business Rountable (Hiệp hội CEO của nhiều công ty lớn nhất ở Mỹ), Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF) và Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA).
Phần lớn các tổ chức này đều thể hiện sự thất vọng ngày càng tăng đối với tiến trình cân nhắc chính sách kinh tế và thương mại với Trung Quốc của chính quyền ông Biden. Trước đó, một số dấu hiệu đã được đưa ra về việc liệu Mỹ có ý định nỗ lực thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hay tìm cách gia hạn thêm. Tiến trình này dự kiến diễn trước một thời điểm nào đó vào mùa thu.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc nói với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ rằng họ sẽ không bàn đến các vấn đề thương mại cho đến khi chính quyền mới làm rõ về việc họ chấp thuận thỏa thuận giai đoạn 1. Chính quyền ông Biden hiện chưa cho biết họ có ý định giữ nguyên thuế quan với Trung Quốc hay không.
Hôm thứ Năm, bà Katherine Tai đã có cuộc gặp riêng với các giám đốc điều hành từ 6 công ty lớn tại Bờ Tây. Nguồn tin thân cận tiết lộ, bà bày tỏ sự thông cảm với những yêu cầu của nhóm các doanh nghiệp, nhưng không đưa ra chi tiết về chính sách mới hay khi nào chính sách sẽ được công bố.
Trước đó, bà Yellen nhận định thuế quan là yếu tố bất lợi về mặt kinh tế. Song, các quan chức chính quyền khác lại cho biết nhận xét của bà không báo hiệu cho sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.
Chad Bown, một nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đã theo dõi sát sao tiến trình của thỏa thuận giai đoạn 1. Ông cho rằng Trung Quốc còn rất nhiều điều khoản chưa đáp ứng được trong cam kết thúc đẩy mua 200 tỷ USD hàng hóa trong 2 năm.
Các nhóm thương mại đã gián tiếp thừa nhận điều đó. Họ nói rằng "2 chính phủ còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện để đảm bảo rằng Trung Quốc đáp ứng các thỏa thuận mua hàng hóa hiện tại." Dẫu vậy, họ cũng lập luận rằng USTR nên bắt đầu đàm phán về những vấn đề không có trong thỏa thuận giai đoạn 1, bao gồm trợ cấp nhà nước, mua sắm của chính phủ, an ninh mạng và thương mại kỹ thuật số.
Ngoài ra, các nhóm này cũng kêu gọi USTR đồng ý với việc cho phép một số trường hợp ngoại lệ không phải chịu thuế quan và bắt đầu quá trình giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tham khảo Wall Street Journal