Các doanh nghiệp công nghệ 'thăng hoa' trong ngày thị trường giảm hơn 21 điểm: Công ty 'họ Viettel' có vốn hóa vượt 300.000 tỷ, FPT vẫn là tập đoàn tư nhân lớn nhất trên sàn
Các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin thăng hoa trong nửa đầu năm nhờ vào việc kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Sau một giai đoạn thăng hoa, thị trường đã chứng kiến pha giảm mạnh đầu tiên khi VN-Index giảm hơn 21 điểm về mức 1.279,9 điểm. Tuy nhiên, trong ngành thị trường đỏ lửa các cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ vẫn tiếp tục đà tăng "chóng mặt" của mình.
Ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu VGI của Viettel Global tiếp tục tăng hơn 10% để cán mốc 100.000 đồng/cp. Cổ phiếu khác thuộc họ Viettel là CTR cũng tăng gần trần trong phiên 14/6. Một số cổ phiếu khác trong nhóm công nghệ cũng tăng như MFS (tăng 7,7%), TTN (tăng 2%), VNZ tăng 3,4%), FOX (tăng 3%0 hay FPT (tăng 0,77%). Đặc biệt, trong VN30 FPT là một trong hai cổ phiếu duy nhất "xanh" trong hôm qua.
Đà tăng của cổ phiếu cũng giúp vốn hóa của các công ty công nghệ tăng vọt từ đầu năm tới nay. Vốn hóa của Viettel Global cũng đã vượt cột mốc 300.000 tỷ đồng trong phiên 14/6, lấy lại vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán từ tay ACV. Còn FPT vẫn tiếp tục là tập đoàn tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán. Các công ty trong ngành cũng đã tăng vài chục nghìn tỷ vốn hóa kể từ đầu năm.
Theo Agriseco Research, ngành Công nghệ thông tin kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trên 15%. Xu hướng phát triển AI, BigData, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng được hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn.
Động lực tăng trưởng cho ngành CNTT trong Quý 2/2024 đến từ các yếu tố:
Xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số trong đó có thị trường Nhật Bản và APAC (Châu Á - Thái Bình Dương).
Ngành công nghệ thông tin trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Theo HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G dần được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động trong các quý tới giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp CNTT.
Bên cạnh đó. ngành viễn thông dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng về lợi nhuận nhờ đẩy mạnh phát triển 5G. Theo đó, năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh thành. Mục tiêu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100% dân số kết nối 5G.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh phát triển và xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center) tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông phát triển. Theo Gartner, việc phát triển Data Center sẽ giúp thúc đẩy 15% doanh thu hàng năm cho mảng viễn thông.
Đời sống Pháp luật