Các doanh nghiệp được KIDO mua lại đã “thay da đổi thịt” như thế nào?
KIDO là một trong những doanh nghiệp tính đến việc mở rộng quy mô thông qua M&A từ rất sớm. Từ thương vụ đầu tiên cách đây 13 năm, đến nay, KIDO vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược này.
Bất ngờ với hiệu quả của mảng kem
Năm 2003, nhằm đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, CTCP Kinh Đô – nay là CTCP Tập đoàn KIDO đã quyết định tiến vào mảng kem bằng việc mua lại toàn bộ hệ thống kem Wall’s khi tập đoàn Univeler rút khỏi lĩnh vực này.
Xuất hiện trên thị trường từ năm 1998, đến khi chuyển giao cho Kinh Đô, kem Wall’s đã là thương hiệu kem hàng đầu trên thị trường kem cao cấp của cả nước. Tuy nhiên, doanh thu khi đó khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 40 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Kinh Đô khi tiến hành mua lại kem KIDO dù rất lạc quan vào thị trường kem nhưng có lẽ họ cũng khó có thể nghĩ rằng lĩnh vực này duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân trên 30%/năm trong suốt 13 năm qua.
Cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, thị phần kem của KIDO ngày càng bỏ xa các doanh nghiệp còn lại. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, năm 2010, KIDO nắm giữ 25,5% thị phần kem thì đến năm 2014, thị phần của công ty đã tăng lên 36,4% - tương đương tổng thị phần của 4 công ty đứng liền sau cộng lại.
Năm 2015, doanh thu ngành hàng lạnh (kem, sữa chua) của KIDO lần đầu tiên vượt qua mức 1.000 tỷ khi đạt 1.072 tỷ đồng. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 đã vượt cả năm 2015 và dự kiến cả năm nay sẽ đạt trên 1.400 tỷ đồng.
Với việc đưa thêm nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động, mảng kinh doanh này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Những chuyển biến từ Vocarimex
Song song với quyết định rút khỏi ngành bánh kẹo và củng cố vị thế trên thị trường kem, KIDO đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để thâm nhập vào một lĩnh vực mới là dầu ăn.
Đây là thị trường đang chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trong nước lẫn hàng nhập khẩu, chứng khiến sự sụt giảm thị phần của Vocarimex và các công ty thành viên liên tục trong những năm gần đây.
Kido muốn thành công trên thị trường dầu ăn vốn là ngành có lợi nhuận biên lợi nhuận thấp, cần phải có quy mô đủ lớn. Do vậy, Bên cạnh việc tự phát triển thương hiệu dầu ăn “Đại Gia Đình”, KIDO đã có một bước đi táo bạo là mua lại cùng lúc 2 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex và Dầu thực vật Tường An.
Mặc dù chưa chính thức nắm quyền kiểm soát Vocarimex nhưng từ cuối năm 2014, đã có 3 đại diện của KIDO được bầu vào hội đồng quản trị gồm 5 người của Vocarimex gồm ông Trần Kim Thành, ông Trần Lệ Nguyên và bà Nguyễn Thị Xuân Liễu. Trong đó, ông Trần Kim Thành giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Xuân Liễu giữ vị trí Tổng giám đốc.
Sau khi tham gia vào ban điều hành, hoạt động của Vocarimex đã có những chuyển biến tích cực. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vocarimex cũng đã tăng trưởng mạnh.
Tương lai tăng trưởng mạnh từ Tường An
Theo báo cáo mới nhất, KIDO đã chào mua thành công 65% cổ phần của TAC tương đương 12.337.130 cổ phần của doanh nghiệp này.
Tường An lâu nay là doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn tại Việt Nam với doanh thu khá lớn, vào khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, lâu nay hiệu quả kinh doanh của Tường An chưa tương xứng với vị thế trong ngành. Lợi nhuận của Tường An chưa cao (LNTT dao động quanh mức 70-80 tỷ đồng/năm) do các khoản chi phí lớn chưa được tiết giảm, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào.
“Đối với chúng tôi, điều e ngại nhất đó chính là không có doanh thu. Tường An có doanh thu lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận biên hiện tại vẫn rất thấp, đó chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Nếu Tường An đang hoạt động tốt thì chẳng có việc gì cho chúng tôi làm. Lợi nhuận từ thương vụ này là không đáng kể”, Ông Nguyên nói trong ngày được bầu làm Chủ tịch Tường An.
Với tiềm lực tài chính dồi dào cùng nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu, quản lý và phát triển hệ thống phân phối, logistics, một khi chính thức tiếp quản Tường An, KIDO kỳ vọng có thể đưa lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng trưởng 50% trong những năm tới.
Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Tường An chỉ ở mức 2,5% - một mức rất thấp trong ngành hàng thực phẩm nói chung. Trong khi đó, công ty dẫn đầu thị phần dầu ăn đang có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lên đến 10%. Rõ ràng, dư địa để Tường An cải thiện tỷ suất lợi nhuận là rất lớn. Chỉ cần nâng tỷ suất lợi nhuận lên 5% - tức bằng ½ so với công ty dẫn đầu – thì lợi nhuận của công ty đã có thể tăng gấp đôi chứ chứ không chỉ là tăng 50%.
Trước mắt, chỉ riêng kết quả trong quý III/2016, doanh thu và lợi nhuận của Tường An đã có sự tăng trưởng so với các quý trước. So với quý III/2015, Tường An có mức tăng doanh số 13% nhưng lợi nhuận tăng lên đến 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc tích hợp thế mạnh của các bên trong chuổi giá trị, hiệu quả của các khoản đầu tư vào Tường An hay Vocarimex hứa hẹn sẽ còn được cải thiện hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt, đối với Kido, một nhà phân phối đầy kinh nghiệm trong ngành thực phẩm.
Với việc bổ nhiệm Nguyên Tổng giám đốc SaigonCo.op là bà Bà Nguyễn Thị Hạnh về làm "phó tướng" tại KIDO. Rõ ràng, Kido vẫn chưa hài lòng với thế mạnh phân phối hiện có của mình.
“Ngành dầu ăn cả nước có đến 450.000 điểm, trong khi mì gói là 220.000 điểm và ngành bánh kẹo chỉ 100.000 điểm. Nếu chúng tôi làm tốt thị phần dầu ăn, tương lai sau này chúng tôi có thể nắm một hệ thống phân phối khổng lồ. Đó là cái mà những nhà đầu tư nước ngoài khó cạnh tranh được với những người đi trước, do đó nếu họ muốn đưa hàng vào Việt Nam sẽ phải tìm đến chúng tôi”, CEO Kido Trần Lệ Nguyên nói về tiềm năng ngành dầu sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tường An.