MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lời, lỗ ra sao trong năm 2016?

583 doanh nghiệp nhà nước ‘nắm giữ’ khối tài sản 3,05 triệu tỷ đồng với vốn chủ sở hữu lên tới gần 1,4 triệu tỷ đồng.

Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 do Chính phủ trình lên Quốc hội nêu rõ tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 07 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước (không bao gồm số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ); 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ - con); 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ ngành, địa phương.

Về hoạt động kinh doanh, tổng doanh thu do các doanh nghiệp tạo ra đạt 1,5 triệu tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2015. Tuy nhiên xét về lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 139,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015.

Báo cáo cũng chỉ rõ khả năng sinh lời của khối 7 tập đoàn giảm mạnh nhất trong nhóm các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó những tập đoàn này có mức lợi nhuận sau thuế đạt 78,87 nghìn tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm 2015. Tuy nhiên khối này vẫn chiếm tới 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.

Lợi nhuận các tập đoàn nhà nước giảm mạnh do hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của 2 tập đoàn lớn là Dầu khí và Hóa chất. Cụ thể tập đoàn Dầu khí có số lợi nhuận năm 2016 vào khoảng 26,52 nghìn tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2015. Trong khi con số của năm 2015 là 42,89 nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra do giá dầu giá dầu trung bình năm 2016 (43,69 USD/thùng) giảm so với 2015 (52,46 USD/thùng) dẫn đến giảm doanh thu, lợi nhuận trực tiếp tại các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh xăng dầu và gián tiếp tại các đơn vị dịch vụ và các đơn vị khác. Ngoài ra do tỷ lệ dầu trang trải chi phí tại Liên doanh Việt- Nga "Vietsovpetro" tăng từ 35% lên 45% áp dụng từ năm 2016 theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Nga dẫn đến lợi nhuận được chia từ Vietsovpetro giảm.

Với tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm 335 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là 2134 tỷ đồng nguyên nhân chính do trong năm 2016 có 4 Công ty con bị lỗ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem. 4 dự án này nằm trong danh sách 12 Dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương mà Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Với nhóm 67 tổng công ty, mức lợi nhuận đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với thực hiện năm 2015, chiếm 31% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.

Nhóm các công ty mẹ- con hoạt động kinh doanh đem về 3,89 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện 2015, chiếm 3%. Khối các doanh nghiệp độc lập đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2015, chiếm 9% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.

Nếu xét theo chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận, khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ- con sinh lời tốt hơn theo tiêu chí Lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân. Năm 2016 nhóm này đạt mức 10% trong khi khối doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 9,9%.

Về tỷ suất Lợi nhuận trước thuế/Tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 4,5%, với các doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 6%.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên