MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp trong danh sách SCIC cần bán vốn gấp đang làm ăn ra sao?

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc bán vốn tại các doanh nghiệp để nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị SCIC triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (Hose: BVH), Tổng công ty CP Bảo Minh (HoSE: BMI) và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP).

Các doanh nghiệp trong danh sách SCIC cần bán vốn gấp đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

SCIC phải hoàn thành thoái vốn tại BVH, BMI, NTP và nộp tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

Tiền thu từ thoái vốn tại 3 doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỡ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 3,26% vốn; 55,44 triệu cổ phiếu BMI, tương đương 50,7% vốn và 43,7 triệu cổ phiếu NTP, tương đương 37% vốn. Xét theo giá thị trường, SCIC có thể thu về gần 6.500 tỷ đồng từ thoái toàn bộ vốn 3 doanh nghiệp trên.

Ngay sau khi có thông tin thoái vốn, cổ phiếu của 3 doanh nghiệp này ngay lập tức tăng trần trong phiên giao dịch ngày 25/10. Cụ thể, BMI tăng 2.900 đ/cổ phiếu, tương đương 7%, từ mức giá 41.600 đ/cổ phiếu lên mức giá 44.500 đ/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 2,7 triệu đơn vị; BVH tăng 4.200 đ/cổ phiếu, tương đương 7% từ mức giá 60.300 đ/cổ phiếu lên mức giá 64.500 đ/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 4,4 triệu đơn vị cổ phiếu; NTP tăng 5.100 đ/cổ phiếu, tương đương 9,9%, từ mức giá 51.400 đ/cổ phiếu lên mức giá 56.500 đ/cổ phiếu.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngoài BVH có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng không đáng kể, thì BMI và NTP có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ năm 2020.

Các doanh nghiệp trong danh sách SCIC cần bán vốn gấp đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của BVH đạt 24.701 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của BVH đạt 24.701 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 50,4% kế hoạch năm. BVH hiện là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm , đạt gần 150.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD, tăng trưởng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2020.

Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 743 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%; Lợi nhuận sau thuế đạt 516 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu và lợi nhuận đều đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

Đến 30/6/2021, tổng tài sản Công ty Mẹ đạt hơn 19.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt hơn 18.700 tỷ đồng.

Trong vai trò là một doanh nghiệp đầu ngành, BVH luôn duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế và cổ tức. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền BVH đã nộp vào ngân sách Nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng.

Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, BVH luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Trong quý IV/2021, BVH dự kiến dành gần 670 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2020, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến năm 2021 lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt.

Trong khi đó, BMI cho biết, trong quý III năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho doanh thu phí bảo hiểm của Công ty giảm 10% so với cùng kỳ, còn gần 995 tỷ đồng nên doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 7%, đạt gần 842 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong danh sách SCIC cần bán vốn gấp đang làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

BMI cho biết, trong quý III năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho doanh thu phí bảo hiểm của Công ty giảm 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm chậm hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của Công ty giảm đến 47% so với cùng kỳ, đạt hơn 29 tỷ đồng.

Cùng với đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 54 tỷ đồng do chi phí tăng 10% so với cùng kỳ và doanh thu giảm 9%. Mặt khác, hoạt động kinh doanh bất động sản có lợi nhuận không đáng kể và cũng giảm 42% so với cùng kỳ. Do vậy, lợi nhuận ròng của BMI gần giảm 22% so với cùng kỳ, còn hơn 52 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BMI đạt hơn 188 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 19% so với cùng kỳ chủ yếu do hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính có lợi nhuận gộp lần lượt tăng 16% và 14%.

Năm 2021, BMI đặt mục tiêu doanh thu là 5.025 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 277 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020. So với kế hoạch đề ra, BMI đã thực hiện được 84% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tổng tài sản của BMI tính đến ngày 30/09/2021 đạt hơn 7.138 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm chủ yếu do tài sản tái bảo hiểm tăng 52%, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 10% cùng với tiền và các khoản tương đương tiền tăng 72%. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 4.860 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ hơn 3.876 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm.

Tương tự, NTP với doanh thu thuần hợp nhất quý III đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dù đã có những chính sách điều chỉnh giá bán nhưng việc giá nguyên vật liệu tăng cao khiến NTP ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III giảm xuống mức 78 tỷ đồng, giảm đến 43,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp trong danh sách SCIC cần bán vốn gấp đang làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

9 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của NTP chỉ tăng 1% và 1,6% so cùng kỳ năm 2020.

.Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 347,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 1,6% so cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, NTP đặt kế hoạch doanh thu bán sản phẩm là 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 432 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện khoảng 66% mục tiêu doanh thu năm và 95% mục tiêu lãi trước thuế năm.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của NTP đạt 5.107 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền đạt 772 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 101% lên 1.292 tỷ đồng. Với quy mô tổng tài sản tăng, nợ vay của NTP cũng tăng 84% so với thời điểm đầu năm lên mức 1.737 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn.

Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên